Từ năm 2017, Đà Nẵng được hưởng những cơ chế ưu đãi vượt trội so với hiện nay để phát triển, tạo dấu ấn và thành tựu trong giai đoạn mới là thông tin được người dân thành phố rất mong đợi. Hai nội dung lớn nêu trong dự thảo Nghị định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 11-7 đã tạo luồng sinh khí mới để Đà Nẵng phát triển xứng đáng với vai trò động lực khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Việc tăng nguồn vốn huy động cho mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và bổ sung phần hỗ trợ từ ngân sách vượt thu sau khi cân đối ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách 2015 được đánh giá như mở được nút thắt về vốn và cơ chế, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.
Nói cách khác, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù cho Đà Nẵng có ý nghĩa then chốt để phát triển thành phố theo tinh thần Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Cho đến nay, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Đà Nẵng tiếp tục khẳng định “thương hiệu” bằng những cách làm sáng tạo, đột phá, phát triển đầy sáng tạo như đánh giá, kết luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc làm việc với thành phố. Bức tranh phát triển kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng, kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường. Kết cấu hạ tầng được hoàn thiện theo hướng hiện đại và đồng bộ. An sinh xã hội luôn được coi trọng.
Bằng sự sáng tạo và linh hoạt, Đà Nẵng huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách, thu hút đầu tư và xã hội hóa để xây dựng nhiều công trình trọng điểm, quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng khu dân cư, hạ tầng giao thông hiện đại và khá đồng bộ. Thành phố thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án du lịch tầm cỡ... Sự đầu tư đó khẳng định bằng những kết quả cụ thể và rõ nét mang lại thương hiệu Đà Nẵng đối với bạn bè bốn phương. Tuy nhiên, Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành năm 2013 đã nhấn mạnh: Tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng còn nhiều nhưng có những mặt chưa được khai thác tốt. Quy mô kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp. Đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng và chưa có sự bứt phá. Một số dự án, công trình trọng tâm theo Nghị quyết 33-NQ/TW và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai còn chậm. Vai trò động lực, sức lan tỏa của Đà Nẵng trong vùng còn hạn chế. Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chậm đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thật sự có hiệu quả, cần thiết để phát triển thành phố.
Nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù dự báo sẽ giúp Đà Nẵng phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, tìm ra các động lực mới để xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung. Từ những ưu đãi mà Nghị định sẽ ban hành và áp dụng vào năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục tập trung rà soát, xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển thành phố gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch cao cấp, hình thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin; trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực. Phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị và du lịch. Phát triển thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại và có bản sắc riêng.
DIỆU MINH