Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn 55 năm, trong buổi sáng ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn lần đầu tiên sử dụng máy bay trực thăng phun rải chất da cam/dioxin ở phía bắc tỉnh Kon Tum, mở đầu cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học, đưa đến thảm họa da cam đối với con người và môi trường ở Việt Nam. Về sau, hàng chục triệu lít chất độc hóa học rải xuống làng mạc, những cánh rừng phía nam Việt Nam, 61% trong số đó là chất da cam/dioxin.
Chiến tranh đã lùi xa, đau thương đã qua, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh bằng chất độc hóa học để lại vẫn vô cùng khủng khiếp. Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin di truyền qua nhiều thế hệ ở Việt Nam. Hiện nay di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba; 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư. Việc khắc phục hậu quả của chất độc này đối với con người và môi trường sinh thái vẫn vô cùng gian nan, tốn kém.
Mặc dù Chính phủ Mỹ, các công ty hóa chất Mỹ và các đồng minh chưa thừa nhận đã gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam, nhưng một bằng chứng không thể phủ nhận là hàng vạn người dân Việt Nam cùng nhiều thế hệ con cháu của họ đã phải gánh chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam trong những năm chiến tranh. Di chứng của nó chắc chắn sẽ mất nhiều thế hệ nữa mới khắc phục được. Nỗi đau da cam nhức nhối hằng ngày với hàng triệu gia đình Việt Nam, đã trở thành vấn đề nhân đạo mang tính quốc tế.
Sau chiến tranh và những năm gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bỏ qua nhiều khác biệt để cũng nhau phát triển các mối quan hệ kinh tế-xã hội, sống chung trong một thế giới đa cực. Chính phủ Mỹ đã có các hành động trợ giúp khắc phục hậu quả chiến tranh như cung cấp bản đồ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, tẩy độc các khu vực bị nhiễm chất độc dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục đi tìm công lý cho những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam và con, cháu họ.
Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất cũng như các Chính phủ Hàn Quốc, Úc… (những nước đã từng gửi quân tham chiến ở Việt Nam) ở từng góc độ đã phải thừa nhận và trợ cấp cho các nạn nhân là quân nhân của họ bị ảnh hưởng của chất da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, vậy mà hàng vạn người dân Việt Nam - là những nạn nhân trực tiếp do chính loại chất độc hóa học khủng khiếp mà Hoa Kỳ gây ra, đến nay vẫn chưa được Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất bồi thường. Đây là điều dư luận không thể chấp nhận. Những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn đang tiếp tục con đường đấu tranh, đòi công lý, yêu cầu những người đã gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam, đặc biệt là Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm, bồi thường thỏa đáng cho những hậu quả mà các nạn nhân da cam Việt Nam đang phải gánh chịu.
Ông Drew Brown (48 tuổi, đến từ nước Mỹ), là thành viên của Hội Cựu chiến binh Mỹ, người đã từng đến Đà Nẵng nhiều lần, chứng kiến nỗi đau mà các nạn nhân da cam đang gánh chịu, ông đã phải thốt lên: “Dù đã biết nỗi đau da cam mà các nạn nhân đang phải gánh chịu qua ti-vi, sách, báo nhưng khi được tận mắt chứng kiến tôi mới thấu hiểu nỗi đau của họ. Tôi mong Chính phủ Mỹ sớm đền bù cho các nạn nhân bởi đó là điều nên làm và phải làm”. Đà Nẵng hiện có khoảng trên 5.000 người bị nhiễm dioxin, trong số đó có hơn 1.400 trẻ em, phần lớn bị dị tật nặng, không thể tự chăm sóc bản thân.
Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam - Góc nhìn từ địa phương Đà Nẵng”. Chương trình đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan, từng bước xây dựng các luận cứ khoa học cho việc đề xuất các phương pháp đấu tranh yêu cầu phía Mỹ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam.
Kỷ niệm 55 năm thảm họa chất độc da cam/dioxin, cũng là dịp để tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất và tinh thần; tạo sự quan tâm, ủng hộ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
CHUNG ANH