Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo thông báo tiền bán trú mỗi tháng được nộp trong khoảng ngày 1-10, đến ngày 15, nếu phụ huynh chưa nộp thì nhà trường không thể tiếp tục phục vụ cơm trưa cho học sinh đó. Phải “cắt cơm” của trò chắc chắn là việc thầy cô không nỡ, nhưng biết làm sao khi nhà trường và ngành giáo dục không thể đủ sức dang tay chở che tất cả học trò nghèo của mình.
Cô giáo thông báo lớp có 29 em, trong đó đến 4 em thuộc hộ nghèo. Bé vắng cha, bé mẹ bỏ đi, bé không cha lẫn không mẹ... Cô giáo vừa nói đến đây, từ cửa lớp, bà lão bước vào, áo quần xộc xệch, thở hổn hển: “Cô ơi, tui xin lỗi cô tui tới trễ. Hai đứa cháu sốt cả đêm. Má hắn bỏ đi. Mình tui lo hai đứa nhỏ mệt quá cô ơi. Chừ tui về coi thằng nhỏ răng đây, chắc không họp được, cô thông cảm cho tui nghe cô”. Nói một hơi, bà lại thở hổn hển rồi vội ra về. Cô giáo chỉ kịp nói với theo: “Cháu khỏe thì bà cố cho cháu đến lớp để theo kịp bài vở bà nhé”...
Không phải đứa trẻ lớp 1 nào cũng được nũng nịu trong tay ba mẹ ngày đầu tiên đi học. Cho tới hôm nay, có nhiều em chưa được sắm đủ đồ dùng học tập và việc phải “nợ” tiền cơm của trường chỉ là chuyện sớm muộn. Thật thương khi một đứa trẻ chưa viết tròn chữ O, đến trường trong sự trống vắng tình yêu của cha mẹ, mà một ngày nào đó, em còn phải lủi thủi ra về vào giờ cơm của các bạn...
Đối với những gia đình không khó khăn, chuyện cho con ăn bán trú ở trường đôi khi là nỗi thương mơ hồ. Thương con ăn không “đã” như ở nhà, thương con nhớ cơm mẹ nấu… Nhưng với những đứa trẻ nghèo, về nhà chắc gì các em được no cái bụng hay được ăn đúng bữa. Ăn ở trường với các em tốt hơn nhiều. Tới giờ, các em được ấm bụng, đủ sức tiếp tục ca học buổi chiều.
Có cô giáo trường nọ kể, dù thông báo chỉ cho nợ tiền bán trú tối đa 2 tháng nhưng không ít phụ huynh đến… năm học sau mới gom đủ tiền nộp bán trú năm học trước cho con. Không để trẻ ăn ở trường thì gia đình lên khóc lóc van nài, hơn nữa, nếu để trẻ về trưa, các em sẽ đi lang thang ngoài đường vì không ai quản lý nên nhà trường cũng “du di” vài trường hợp. Vài trường hợp trường có thể xoay xở, nhưng hàng chục, hàng trăm em thì các trường chống chịu làm sao.
Đà Nẵng sắp đạt mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Như vậy đồng nghĩa sẽ có 100% trẻ tiểu học có cơ hội được ở bán trú. Bên cạnh cái được cho các em và gia đình, đâu đó cũng sẽ có nỗi lo của những hộ nghèo về khoản tiền bán trú (nếu muốn cho con ở lại giờ trưa). Học sinh tiểu học không lo học phí, các em nghèo càng không lo những khoản bảo hiểm y tế… nhưng cơm trưa bán trú thì em nào cũng phải đóng như nhau.
Học bổng cho trò nghèo, xe đạp cho trò nghèo, áo quần, sách vở cho trò nghèo thì nhiều người, nhiều nơi đã làm, nhưng cơm trưa bán trú cho trò nghèo thì hình như chưa. Không biết một đứa trẻ vừa lên 7 tuổi sẽ cảm thấy thế nào khi em không thể được ngồi ăn chung với các bạn bởi gia đình không có tiền nộp bán trú, nhưng chỉ nghĩ đến điều đó thôi, chắc rằng mỗi người lớn chúng ta đều cảm thấy thật đau lòng.
TOÀN VÂN