Ngay từ đầu năm học này, học sinh, giáo viên và cả các bậc phụ huynh trên địa bàn thành phố đều vui mừng trước những nét mới mà ngành giáo dục - đào tạo thành phố thực hiện. Đó là việc chỉ tổ chức tập trung vào ngày 1-9 và khai giảng đúng ngày 5-9; chương trình lễ khai giảng cũng ngắn gọn nhưng bảo đảm trang trọng… Cùng với đó là cam kết của lãnh đạo ngành trong việc giảm tải chương trình học, tổ chức học thể dục theo môn tự chọn.
Đây là những nét mới đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện việc đổi mới giáo dục một cách toàn diện và căn bản, phù hợp với nhận thức của xã hội.
Tuy nhiên, nhìn vào những nét mới đó, bên cạnh kỳ vọng, mọi người cũng bày tỏ lo âu; bởi để đổi mới giáo dục một cách toàn diện và căn bản, cần đổi mới một cách có hệ thống, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, trong cả hệ thống chính trị và nhận thức, hành động của xã hội.
Sự lo âu là có căn cứ, bởi đã bước vào năm học mới, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn loay hoay với việc sửa đổi Thông tư 30 về đánh giá chất lượng học sinh bậc tiểu học; chuyển từ nhận xét của giáo viên, xếp loại đạt và không đạt sang xếp loại theo A, B, C. Người ta lo âu, bởi lẽ việc đánh giá này vẫn làm theo cảm quan, chạy theo dư luận hơn là theo một nghiên cứu khoa học bài bản và có chất lượng để trả lời được câu hỏi tại sao làm như thế này mà không làm như thế kia, đánh giá như thế có phù hợp với học sinh tiểu học ở Việt Nam và có lộ trình hòa nhập với thế giới hay không…
Bên cạnh đó, việc tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng chưa xong nhưng có thông tin về việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay trong năm 2017 và phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng. Liệu sự thay đổi đó có phải từ một kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc? Liệu cách làm “vừa chạy vừa xếp hàng” như vậy có phù hợp với tiêu chí “đổi mới căn bản và toàn diện” hay không?
Trong khi Bộ Giáo dục-Đào tạo chưa có sự thống nhất trong vấn đề dạy thêm, học thêm thì ở góc độ địa phương, trước thềm năm học mới, thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh ở lớp mình trực tiếp giảng dạy; nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc.
Điều cấm ấy thực ra không có ý nghĩa gì lớn, bởi một số địa phương khác cũng đã triển khai rồi. Và đặc biệt, việc dạy thêm học thêm không tự nó sinh ra, không do giáo viên ép buộc mà phần lớn do chương trình học quá tải. Quá tải bởi nếu chỉ học trong sách giáo khoa và ở trên lớp, học sinh khó trang bị đủ kiến thức để bảo đảm đủ điểm khi làm bài kiểm tra, bài thi ở trường, thi tốt nghiệp… theo đúng chương trình. Một tín hiệu vui là ngành giáo dục - đào tạo Đà Nẵng cam kết triển khai giảm tải chương trình học trong năm học này; nhưng cũng có ý kiến băn khoăn rằng, với những kỳ thi chung trên toàn quốc hoặc khu vực, liệu học sinh Đà Nẵng có gặp khó khăn, nhất là khi không học thêm? Người ta cần sự đồng bộ là ở đó!
Trong thư chúc mừng nhân năm học mới 2016-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu “ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”. Đó cũng là mong mỏi thiết tha của toàn xã hội, để trên nền tảng giáo dục, đào tạo khoa học, hiện đại và toàn diện, sẽ hình thành một thế hệ công dân mới, được đào tạo bài bản, có đủ đức và tài để góp phần dựng xây đất nước.
Để làm được điều đó, việc đổi mới của ngành giáo dục - đào tạo phải thực hiện một cách khoa học, đồng bộ và có lộ trình nhất định!
ANH QUÂN