Thời sự và bàn luận
Cần giữ niềm tin
Trong tuần qua, câu chuyện “nước mắm” và “nước chấm” tiếp tục rộ lên, theo một chiều hướng khác là xem xét trách nhiệm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi trả lời VnExpress.net ngày 26-10 cho biết, bộ này đang trao đổi với các cơ quan liên quan, xem xét nếu cần thiết thì đình chỉ hoạt động của Vinastas để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của hội này.
Đúng - sai đang được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra làm rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trong thời gian này, nhiều người đặt ra vấn đề về tôn chỉ, mục đích, chức năng hoạt động của hội, khi Quốc hội thảo luận xây dựng Luật về Hội tại nghị trường ngày 25-10 vừa qua. Việc thảo luận về luật này nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, bởi còn quá nhiều vấn đề cần làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa, vì tính chất của luật đối với đời sống xã hội của đất nước; vì thế Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sau khi nghe gần 50 ý kiến phát biểu, đã xin tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo và trình Quốc hội vào kỳ họp sau.
Xin được nói thêm rằng, một trong những vấn đề được tranh luận và có hai luồng ý kiến là việc nhận tài trợ từ các tổ chức nước ngoài cho hoạt động của hội. Theo nguyên tắc, hoạt động hội là tự chủ và tự trang trải kinh phí; nên việc huy động các nguồn lực là một vấn đề quan trọng để tồn tại và hoạt động có hiệu quả.
Điều đó làm người ta nhớ đến việc Vinastas thừa nhận có đơn vị tài trợ cho Vinastas triển khai việc lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm chất lượng nước mắm thời gian qua, tuy nhiên lại mập mờ, không dám công khai tên đơn vị tài trợ này. Từ đó, dư luận có quyền nghi ngờ việc công bố chất lượng nước mắm của Vinastas.
Không phải đến bây giờ, khi có sự cố này, người ta mới nhắc đến tôn chỉ, mục đích của Vinastas nói riêng và các hội nói chung. Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời (hiệu lực thi hành từ 1-7-2011), người tiêu dùng - bên cạnh công cụ pháp lý, còn có thêm niềm tin vào một tổ chức hội để đứng lên bảo vệ người tiêu dùng trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thời gian qua, niềm tin của người tiêu dùng vào tổ chức này dường như chưa được cao lắm; bằng chứng là có quá nhiều vấn đề liên quan đến người tiêu dùng như hàng giả, hàng, nhái, hàng kém chất lượng… làm “khó” người tiêu dùng nhưng việc bảo vệ chưa thực sự hiệu quả.
Điều đó dẫn đến vai trò của Vinastas chưa được xem trọng trong đời sống xã hội. Không chỉ do chất lượng hoạt động của Vinastas, mà còn do chính rào cản từ pháp lý. Theo điều lệ, Vinastas là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không phải tổ chức xã hội. Tuy nhiên, đối với một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo quy định tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ các tổ chức xã hội mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, khi thực hiện nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước giao, chỉ có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Vì vậy, Vinastas khó có được nguồn kinh phí này. Thấy được khó khăn về kinh phí đó, từ tháng 3 năm nay, Bộ Công thương khuyến nghị Vinastas nên chuyển thành tổ chức xã hội để có thể tham gia và giúp hội viên của mình tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời cơ chế kinh tế thị trường, đối với tổ chức hội tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, chất lượng hoạt động phụ thuộc rất lớn vào uy tín; mà uy tín chỉ được xây dựng trên chất lượng hoạt động. Vòng luẩn quẩn này cần phải có những người lãnh đạo giỏi, có tâm, có tầm và nhất là phải “máu lửa” thì mới mong “giải” được. Xác lập được niềm tin, nâng cao uy tín của mình trong đời sống xã hội, từ đó góp phần tích cực vào việc bảo vệ hội viên, quy tụ nhiều hội viên… đó chính là ước mơ và mục tiêu hướng tới của nhiều tổ chức hội; tuy nhiên không phải tổ chức nào cũng làm được. Nếu ra đời mà hoạt động èo uột, nhất là chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó chứ không vì cộng đồng xã hội, chắc chắn hội sẽ lụi tàn, vì không còn giữ được niềm tin.
ANH QUÂN