Trong những ngày qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể… ở trong và ngoài nước, cộng đồng xã hội chung tay vận động quyên góp, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt tại các tỉnh bắc miền Trung. Trên mạng xã hội, hàng triệu lượt quyên góp và hỗ trợ được hiện thực hóa thành những chuyến từ thiện, công tác xã hội đến tận vùng xa, vùng khó khăn, bị thiệt hại nặng nề để kịp thời sẻ chia với đồng bào.
Không chỉ kết nối, sẻ chia bằng vật chất, những lời chia sẻ, động viên về mặt tinh thần khiến cộng đồng mạng xã hội không khỏi xúc động. Có tài khoản mạng xã hội facebook kêu gọi, hãy bớt đưa những hình ảnh vui chơi cá nhân ở chốn sang trọng, cũng là cách chia sẻ đầy tình nhân ái với đồng bào đang bị thiếu ăn, thiếu mặc và đang đối phó với thiên tai ở các tỉnh bắc miền Trung… Đề nghị ấy cũng được nhiều người hưởng ứng “share” (chia sẻ) và “like” (thích).
Nói điều đó để thấy, từ trên mạng xã hội “ảo”, nếu biết hiện thực hóa một cách đúng đắn và bằng một cái tâm chân thành chia sẻ, thì luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía cộng đồng - không chỉ là cộng đồng mạng xã hội. Vẫn còn đó câu chuyện nhóm bạn trẻ tại Đà Nẵng dù không quen biết nhưng lại kết nối chặt chẽ với nhau qua từng mạng lưới tình nguyện và mang lại những giá trị tốt đẹp.
Hôm nay phát động chiến dịch tình nguyện, ngày mai các bạn đã có mặt ở miền xa xôi phía tây tỉnh Quảng Nam, mang vô số áo quần, mì tôm, sách vở trao tặng trẻ em miền núi. Đó cũng là câu chuyện kêu gọi hiến máu tình nguyện cho một nạn nhân nguy cấp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 30 phút sau khi phát động đã có hơn 20 bạn trẻ tham gia, dù không quen biết nhau nhưng cùng chung một nhịp đập yêu thương, cùng sẻ chia để vơi đi bất hạnh của người khác.
Thế giới ảo trở nên thiết thực hơn bao giờ hết thông qua những hành động, câu chuyện đẹp như thế và sẽ còn có rất nhiều câu chuyện đẹp sẽ được viết, được kể trên mạng xã hội nếu mỗi chúng ta biết sống thật, sống có trách nhiệm với bản thân, xã hội cả trong đời thực lẫn thế giới ảo.
Cùng với đó, có rất nhiều lợi ích thiết thực từ mạng xã hội nếu chúng ta biết cách khai thác. Đó có thể là một nhóm bạn dù không quen mặt nhưng lại cùng một nhóm (group) kín với mục tiêu học tiếng Anh trực tuyến, trao đổi, bổ trợ kiến thức cho nhau.
Hay hình ảnh của người cha ở tỉnh Lâm Đồng thất thểu trên chiếc xe máy cà tàng đi tìm con suốt 2 năm ròng qua các tỉnh, thành phố, đã chạm vào trái tim của cộng đồng mạng nên đi đến đâu anh đều được hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình. Đã có rất nhiều câu chuyện được phản ánh trên mạng xã hội và tạo hiệu ứng lớn, làm thay đổi cả một chính sách. Cũng có những chương trình từ thiện nhân văn ra đời từ sự chung tay kêu gọi của cộng đồng mạng và sau đó không ngừng lớn mạnh, trở thành hoạt động thường xuyên mang tầm quốc gia.
Nhưng bên cạnh những hình ảnh đẹp ấy, trên thế giới ảo hiện nay cũng có quá nhiều câu chuyện buồn do hiệu ứng của mạng xã hội. Mới đây, một nữ sinh chỉ 13 tuổi tại tỉnh Khánh Hòa đã mang xăng đến trường đốt chỉ vì lời thách đố “nếu đủ 1.000 like”. Cô bé bị bỏng nặng phải vào viện cấp cứu và rất may không nguy hiểm đến tính mạng.
Lang thang trên thế giới mạng, rất dễ bắt gặp những lời thách đố, đại loại như đủ 500 like sẽ nhảy cầu, 2.000 like sẽ cởi áo, 50.000 like sẽ đánh ai đó… Những cú “like” ảo cũng được hiện thực hóa, nhưng theo hướng tiêu cực, dẫn đến hậu quả thật tồi tệ. Câu chuyện đau lòng xảy ra ở tỉnh Yên Bái hồi tháng 9 vừa qua khiến một học sinh phải tự tử do bị bạn đánh và thực hiện “live streams” (quay phát trực tiếp hành động này trên mạng xã hội facebook).
Đoạn phim nhanh chóng phát tán trên nhiều diễn đàn và nhận được sự quan tâm, bày tỏ thái độ của nhiều người. Nếu những hình ảnh hành hung, làm nhục không bị phát tán rộng rãi thì sự uất ức, xấu hổ và bế tắc của nạn nhân đã không lên đến đỉnh điểm và phải tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Cộng đồng mạng có một sức mạnh ghê gớm, có thể ca tụng, tâng bốc một người lên tận “mây xanh” nhưng cũng sẽ khiến một tập đoàn bị phá sản, một gia đình rơi vào khủng hoảng, phải trốn chạy chỉ vì những cú “like” và phát ngôn thiếu kiểm soát của người dùng.
Đầu tháng 10 vừa qua, Sở Thông tin-Truyền thông Đà Nẵng xử phạt người quản trị trang facebook “I love in DaNang” 5 triệu đồng vì đăng tải những thông tin sai lệch và thiếu kiểm duyệt những bình luận xuyên tạc, đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân. Đó là một thông điệp để cảnh báo người sử dụng mạng xã hội, nếu chúng ta quá dễ dãi với bản thân trong việc kiểm soát suy nghĩ, hành vi thì dễ dàng trở thành công cụ bị lợi dụng, thậm chí gián tiếp hại chết nhiều người do vô tình tiếp tay cho kẻ xấu mà không hề hay biết.
Vậy nên, hãy “like” vì những điều tử tế và một cách tử tế!
PHAN CHUNG