.

Khẳng định giá trị nữ quyền

.

Hôm nay, (6-10) trong không khí hân hoan của hàng vạn chị em phụ nữ thành phố hướng về Đại hội đại biểu Hội LHPN thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, chúng ta nhìn lại những đóng góp lớn lao của các thế hệ phụ nữ trong nhiệm kỳ qua, để từ đó thấy được những thành quả lớn lao của hoạt động nữ quyền, những đóng góp tích cực của chị em phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng ngày càng hiện đại, văn minh.

5 năm qua, cùng với sự phát triển của thành phố, cán bộ, hội viên phụ nữ  đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào thi đua và đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo của thành phố; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trên địa bàn Đà Nẵng.

Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; có những bước tiến trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; có nhiều sáng kiến, đề xuất, tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ thi đua học tập, lao động, sản xuất, công tác; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; giảm nghèo, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ...  Tổ chức Hội ngày càng phát triển, đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, khẳng định được vai trò của phụ nữ trong việc tham gia công tác lãnh đạo và quản lý các cấp.

Bình quân tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm so với quy định, trong đó cấp quận/huyện, phường/xã tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp trưởng phòng trở lên cao hơn, trong đó có những vị trí chủ chốt các cơ quan lãnh đạo thành phố, quận, huyện (cấp thành phố: 24,49%; cấp quận/huyện: 31,6%; cấp phường/xã: 35,16%).

Với 45% lao động nữ trong các ngành dịch vụ, thương mại, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đáp ứng kịp thời về chất lượng và nguồn lao động dồi dào cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 5.000 phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chiếm khoảng 30% tổng số chủ doanh nghiệp thành phố, hơn 19.000 nữ tiểu thương. Nhiều nữ doanh nhân, tiểu thương đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, đa dạng sản phẩm, mẫu mã, hình thức kinh doanh… phù hợp với quá trình phát triển của thành phố, góp phần tăng cơ hội việc làm cho lao động nữ, tăng tiêu dùng trong nước và kim ngạch xuất khẩu, vươn lên trở thành những nữ chủ doanh nghiệp quản lý giỏi, thành đạt, những nữ tiểu thương văn minh thương mại.

Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, giáo viên trong ngành giáo dục và đào tạo chiếm 86% trên tổng số cán bộ, giáo viên của toàn ngành; hầu hết được đào tạo đạt chuẩn. Chị em đã không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, say mê nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Phụ nữ và trẻ em gái thành phố ngày càng bình đẳng hơn về cơ hội được tiếp cận giáo dục, đào tạo. Nữ sinh viên chiếm trên 47% trong các trường đại học và cao đẳng; số nữ tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng tăng; nhiều học sinh, sinh viên nữ đỗ thủ khoa, đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những khởi sắc mới, nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ ứng dụng. Nhiều chị em đã mạnh dạn tìm tòi, áp dụng cái mới vào hoạt động sản xuất, say mê nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo. Đã có nhiều công trình, đề tài làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho thành phố.

Chiếm gần 40% lực lượng lao động toàn ngành, phụ nữ ngành y tế đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động y tế, phát huy hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, làm nòng cốt thực hiện hiệu quả chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.

5 năm qua, trong thành tựu chung của thành phố đã có những đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ Đà Nẵng. Phát huy tiềm năng, phẩm hạnh của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Đà Nẵng đã năng động, sáng tạo, kiên trì trong học tập, lao động và công tác; đoàn kết, trau dồi phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để đóng góp ngày càng hiệu quả vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được thừa nhận và khẳng định...

Tuy nhiên, hiện nay, quan niệm bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội ta dưới nhiều hình thức, ở nhiều nhóm xã hội khác nhau, kể cả đội ngũ cán bộ, công chức, thậm chí cả trong nữ giới. Giữa chủ trương, chính sách và pháp luật với thực tiễn còn khoảng cách lớn. Thực tế, việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ giới có xu hướng cao cả ở khu vực công và tư; tình trạng bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn còn... Vì thế, ngoài các chính sách của Đảng và thể chế hóa của Nhà nước về bình đẳng giới, bản thân chị em phụ nữ thành phố cũng phải tự vươn lên để bắt nhịp cùng sự phát triển chung.

Sinh thời, Bác Hồ là người luôn quan tâm vấn đề giải phóng phụ nữ, Người yêu cầu: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng phụ nữ mà tự mình phải tự cường đấu tranh. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”.

Thấm nhuần lời dạy đó của Bác, các tầng lớp phụ nữ Đà Nẵng phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; tự khẳng định mình thông qua năng lực trình độ, thông qua sự hiểu biết và sự đóng góp của chính mình cho gia đình, xã hội. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao hơn nữa vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

CHUNG ANH

;
.
.
.
.
.