Chúng ta đều biết rằng, Luật Công chức, viên chức quy định: Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, công chức phải có nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Liên quan đến đạo đức công vụ, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong hoạt động công vụ và phải tuân thủ các quy định về văn hóa giao tiếp ở công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân như: phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ…
Những quy định đó là thể hiện vai trò, vị trí, trách nhiệm của CBCCVC cả khi thực hiện nhiệm vụ trong bộ máy công quyền lẫn trong đời sống thường ngày. Thế nhưng, trong thực tế, còn diễn ra khá nhiều trường hợp mà hành vi của CBCCVC đã làm hoen ố hình ảnh của chính họ, tác động xấu đến bộ máy công quyền và gây nên sự bất bình của xã hội. Người viết xin đơn cử một vài vụ việc khá điển hình xảy ra gần đây:
Vụ thứ nhất là chiều 18-10, tại sân bay Nội Bài, 2 hành khách – trong đó có Đào Vịnh Thuấn là cán bộ Đội thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau khi làm thủ tục đi trên chuyến bay VN7256 từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh đã có hành vi xúc phạm và hành hung nữ nhân viên của Trung tâm khai thác Nội Bài tại khu vực quầy làm thủ tục, dẫn đến việc nữ nhân viên này bị choáng và buồn nôn, phải đưa đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.
Vụ thứ hai, là ngày 21-10, tại Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hà Nội (PC 46) tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Việc tiêu hủy được thực hiện bởi Hội đồng tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp gồm các cán bộ của Thanh tra Bộ KH&CN và PC 46, Công an thành phố Hà Nội (theo Quyết định số 104/QĐ-TTra của Chánh Thanh tra Bộ KH&CN) và cán bộ của Bộ KH&CN tham gia cắt, tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Tuy nhiên, tại buổi tiêu hủy, đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng là một số CBCCVC có liên quan đến việc tiêu hủy đã tự ý lấy hàng hóa vi phạm mang ra khỏi khu vực tiêu hủy. Trong khi đó có rất nhiều người là cán bộ bảo vệ pháp luật vẫn làm ngơ. Vụ việc đó làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, gây ra dư luận xấu trong xã hội.
Dư luận cũng còn nhớ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, một lần trên đường đi họp về, xe của ông (biển số xanh) đã bị một xe biển số tư nhân đi phía sau đâm vào. Không dừng lại ở đó, khi bước xuống xe, chủ nhân chiếc xe vi phạm (là một sĩ quan Công an Hà Nội) đã có hành động thô bạo với người lái xe của Bộ trưởng. Khi được báo chí hỏi vào thời điểm ấy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông không nặng nề gì về chuyện này, nhưng hành vi của người sĩ quan công an này đối với người dân là không chấp nhận được. Bởi người dân không thể chấp nhận những CBCCVC cứ coi mình như “ông trời” thời hiện đại, muốn hành xử như thế nào thì làm.
Trong một Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật càng không thể dung túng, bỏ qua những hành vi lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật, mang tính chất coi thường pháp luật, thách thức kỷ cương phép nước, dù họ là ai.
Bên cạnh những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu đã và đang xuất hiện trong đội ngũ CBCCVC dưới nhiều dạng khác nhau làm cho dư luận bất bình phản ứng, thì những vụ việc vừa nêu trên càng cho thấy công tác giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân đang trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay.
Chính vì vậy mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng mới đây đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mục tiêu này để từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Đồng thời từ đó làm gương cho đội ngũ CBCCVC trong toàn hệ thống chính trị nước ta cùng hành động nhằm xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, hết lòng vì dân, vì nước, được dân tin yêu, đồng tình ủng hộ.
TUYẾT MINH