.

Xin hãy vì đại cuộc và đạo lý!

.

Cách đây gần hai năm, UBND thành phố Đà Nẵng từng có văn bản kiến nghị Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét lại việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô cấp phép cho một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đối với Công ty cổ phần Thế Diệu - một công ty được thành lập bởi Công ty TNHH World Shine Hong Kong có trụ sở chính tại đảo Virgin thuộc Anh, được đại diện bởi các doanh nhân Trung Quốc. Nguyên nhân không chỉ bởi dự án này nằm trong khu vực chưa thống nhất phân định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, mà còn và chủ yếu vì đây là khu vực được khẳng định là rất nhạy cảm và hiểm yếu - thậm chí bất khả xâm phạm - về quốc phòng - an ninh. Mối quan ngại của Đà Nẵng hồi đó được dư luận cả nước đồng tình, đặc biệt được phản hồi tích cực và đầy trách nhiệm từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: dù Thủ tướng chưa có quyết định nhưng tỉnh đã chủ động cho dừng dự án không triển khai nữa.

Và cách đây hơn một tuần, UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét lại việc tỉnh cho phép đầu tư Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, một “vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của Đà Nẵng” - như văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ. Lâu nay việc quản lý lưu vực sông và việc quản lý vùng bờ biển nước ta được tiến hành riêng lẻ, dẫn đến mâu thuẫn/xung đột lợi ích giữa các ngành/các lĩnh vực và giữa người sử dụng nước ở thượng nguồn với người sử dụng nước ở hạ nguồn, và không phải ngẫu nhiên mà ngày 21 tháng 11 năm ngoái, tại thành phố Hội An có cuộc đối thoại bàn tròn cấp cao về chủ đề Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”. Do vậy có thể nói việc dự án Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp “chạy chỗ” từ phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn lên đầu nguồn sông Vu Gia - sau khi bị nhân dân địa phương phản đối vì nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn và khí thải - là hậu quả của quá trình quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn một cách riêng lẻ và cần sớm khắc phục giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn một cách riêng lẻ đã tạo nên nguy cơ nhiễm mặn nguồn nước ở khu vực hạ du bao gồm cả Đà Nẵng và một số huyện, thị của Quảng Nam: nhiều năm qua, do các nhà máy thủy điện liên tục chặn dòng, không trả nguồn nước về hạ du, dẫn đến Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi sản xuất nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng - gặp nhiều khó khăn, nhiễm mặn với mức độ năm sau cao hơn năm trước. Đến mùa hè năm 2015, nước sông Cầu Đỏ đã biến thành nước… biển, đồng thời đạt kỷ lục nhiễm mặn (năm 2013 độ mặn cao nhất là 6961 mg/l, năm 2014 độ mặn cao nhất là 11.727 mg/l, năm 2015 độ mặn cao nhất là 13.568 mg/l). Có nghịch lý là trong khi các nhà khoa học đang lao tâm khổ tứ để nghiên cứu biến nước biển thành nước ngọt phục vụ ngư dân đánh bắt xa bờ, thì ở đây chỉ cần “thượng… nguồn tích thủy” theo kiểu chỉ-biết-lợi-mình là nước sông Đà Nẵng lập tức biến thành… nước mặn. Và giờ đây ở khu vực hạ du này lại thêm nguy cơ nhiễm bẩn nguồn nước nếu dự án nhà máy luyện cán thép Việt- Pháp vẫn được triển khai trên thượng nguồn.

Chưa kể những lý giải rất chủ quan và khó chấp nhận về khả năng không xảy ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do xả nước thải kiểu Formosa Hà Tĩnh của nhà máy luyện cán thép Việt- Pháp Nam Giang trong tương lai, chỉ nói riêng những lý giải chủ quan không kém về khả năng không xảy ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do xả khí thải của nhà máy này như ở Điện Bàn hiện nay, cũng vẫn thiếu sức thuyết phục. Khi trao đổi với báo điện tử VnExpress, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng đã phân tích rất đúng rằng: “Quảng Nam cứ nghĩ khi chuyển lên vùng núi ít dân thì người dân có thể chịu được. Nhưng khí thải của quặng thép nặng hơn không khí nên sẽ rơi xuống, gặp mưa thì cuối cùng cũng đưa ô nhiễm theo dòng sông về hạ du”. Chỉ có một điều chắc chắn là do ở xa nên Đà Nẵng và một số huyện, thị của Quảng Nam ở hạ du lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ không bị tác động tiêu cực của tiếng ồn từ Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp Nam Giang trong tương lai. Tuy nhiên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ ít dân nhưng không phải không có dân, và dù ít hay nhiều thì các cư dân ở đây cũng có quyền được hưởng một cuộc sống không bị ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi như bao nhiêu người dân đất Quảng. Chẳng lẽ vì thiểu số mà lỗ tai và lá phổi của họ phải hứng chịu những gì mà người dân Điện Nam Đông không thể chịu đựng được nữa hay sao? Ai cho chúng ta cái quyền đối xử đầy kỳ thị ấy?

Xin hãy vì đại cuộc và đạo lý!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.