.

Chính sách cần tạo sự ổn định

.

Để cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi phải được ban hành dựa trên chính sự tự tin của cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này cần xuất phát từ những căn cứ đã được kiểm nghiệm, đúc kết cả về lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm trong và ngoài nước, hướng đến mục tiêu hiệu quả dài hạn, góp phần xác lập hành lang pháp lý ổn định, trả lại quyền chủ động cho thị trường, tự vận hành, dự đoán và ứng xử linh hoạt theo tín hiệu quan hệ cung cầu.

Tuy nhiên, trong văn bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây lại chưa thể hiện được tinh thần nói trên.

Cụ thể, tại điểm c khoản 1 Điều 3 “Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017 ”.

Điều đó có nghĩa hoạt động cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán trong nước mà người vay phải bán lại ngoại tệ cho tổ chức tín dụng (TCTD) có thể được kéo dài đến hết năm 2017 thay vì sẽ chấm dứt từ 1-1-2017 như quy định hiện hành. Hay nói khác đi, nếu dự thảo được thông qua, các doanh nghiệp có thể tạm yên tâm từ đây đến thời điểm 31-12-2017, nhưng sau đó thì chưa thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra? Cũng nên nhắc lại rằng, kiểu điều hành lưng chừng, quy định “thời hiệu từng phần” như trên đã bắt đầu diễn ra kể từ năm 2012. Khởi đầu với Thông tư 37/2012/TT-NHNN về quy định nghiệp vụ cho vay bằng ngoại tệ dùng để thanh toán trong nước đối với khách hàng vay là người cư trú, thời hiệu tối đa là 31-12-2013. Tiếp theo đó các thông tư sửa đổi bổ sung khác lại được ban hành (29/2013/TT-NHNN; 43/2014/TT-NHNN; 24/2015/TT-NHNN...) cho phép gia hạn thêm một năm. Cho đến nay NHNN vẫn chưa khẳng định là sẽ thay đổi và cũng chưa giải thích thấu đáo lý do vì sao phải duy trì cách thức điều hành “nhát gừng” như vậy?

Trong khi đó nếu nhìn lại cơ chế điều hành tỷ giá hiện hành thì tình hình lại hoàn toàn khác. Kể từ khi chuyển hẳn sang mô hình tỷ giá trung tâm, ứng xử linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đặc biệt là xóa bỏ tâm lý kỳ vọng “phá giá hằng năm”, NHNN không những chính thức tự giải phóng mình khỏi những định hướng và cam kết không chắc chắn, mà còn trả lại trạng thái vận hành cân bằng hiếm thấy so với nhiều năm trước luôn trong tâm trạng căng thẳng/ phập phồng mỗi khi thị trường lên cơn sốt đầu cơ tỷ giá. Những năm gần đây, dự trữ ngoại tệ liên tục tăng, cung cầu ổn định, tâm lý đầu cơ giảm mạnh, nội lực chống chịu của tỷ giá trước sức ép phá giá tiền tệ từ bên ngoài tăng lên đáng kể, ngân hàng và doanh nghiệp chủ động ứng xử trong các giao dịch ngoại tệ… là những minh chứng cụ thể phản ánh sự tự tin, sự thành công lớn của tư duy điều hành mới dựa trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật thị trường.

Vấn đề đặt ra là, một khi đã “thị trường hóa” được tỷ giá thì không có lý do gì lại không thể “bình thường hóa” nhu cầu vay ngoại tệ thường xuyên của doanh nghiệp? Về mặt điều hành, NHNN đã nhiều lần tuyên bố ý định chấm dứt cho vay ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua bán thuần túy, tiến đến mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa; do quy mô và trình độ hội nhập nền kinh tế ngày càng mở rộng, ngoại tệ (chủ yếu USD) đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ tiền tệ lưu hành tại nước ta. Thời gian gần đây mặc dù ấn định chính sách lãi suất 0% nhưng nguồn lực quan trọng này vẫn không vì thế mà suy giảm nhiều. Điều này chứng tỏ đây còn là một thế lực kinh tế đáng được cân nhắc xem xét tận dụng theo chiều hướng hợp lý hơn.

Mặt khác, với cơ chế tín dụng hiện hành, sau khi vay khách hàng phải bán giao ngay nguồn ngoại tệ cho ngân hàng để chuyển sang sử dụng tiền đồng. Về thực chất giao dịch này chỉ nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích về lãi suất, không làm ảnh hưởng đến chủ trương “chống đô-la hóa” của NHNN. Doanh nghiệp, với các công cụ hỗ trợ của ngân hàng thương mại, đến nay đã chủ động hoàn toàn trong việc lựa chọn phương tiện vay trả bằng ngoại tệ/ nội tệ sao cho có lợi nhất, tránh bị tổn thất lớn bởi biến động tỷ giá bất ngờ. Với tình hình lạm phát tương đối ổn định, lãi suất nội tệ đang khá rẻ, cho vay xuất khẩu chỉ từ 5-6%/năm, nhu cầu vay ngoại tệ thanh toán trong nước không còn là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp như thời gian trước đây. Theo diễn biến quy luật tự nhiên, tâm lý chuộng ngoại cũng có xu hướng giảm dần.   

Đã đến lúc NHNN cần trở nên tự tin hơn. Không nên bận tâm nhiều đến việc điều hành chính sách theo kiểu “đến hẹn lại gia hạn” như lâu nay, vô hình chung gửi đi một thông điệp bất cân xứng, tạo ra tâm lý bất an không cần thiết đến các chủ thể trên thương trường. Thay vào đó, hãy trả lại chức năng quản lý tác nghiệp tín dụng ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng thương mại và cần tập trung vào mục tiêu quan trọng hàng đầu hiện nay là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát có hiệu quả.

PHÚC VINH

;
.
.
.
.
.