1. Những ngày đầu tháng 11 năm nay, người Đà Nẵng mừng vui xiết bao trước sự kiện Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố bên sông Hàn - kết quả một cuộc chạy tiếp sức đầy quyết tâm chính trị và hết sức ngoạn mục giữa các thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng kể từ sau Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Rõ ràng với Nghị định quan trọng này, Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển nhanh và bền vững không chỉ với tư cách một đô thị lớn của cả nước mà còn với tư cách một đô thị động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đồng thời qua nghị định quan trọng này, một lần nữa Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của Đà Nẵng và dành cho Đà Nẵng một số cơ chế đặc thù cũng có nghĩa là Chính phủ đầu tư để Đà Nẵng đủ khả năng phát huy cả sức thu hút lẫn sức lan tỏa của một trung tâm.
2. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, người Đà Nẵng cũng có nhiều nỗi lo khi được Chính phủ trao cho một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý. Tâm lý vừa vui vừa lo, thậm chí lo hơn vui ấy cũng dễ hiểu.
Những năm qua, Đà Nẵng được xác định là một cực phát triển của đất nước - ngoài hai cực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và trong khi chưa có cơ chế đặc thù như mong đợi, Đà Nẵng vẫn nỗ lực làm được một số việc trong chỉnh trang đô thị, trong an sinh xã hội… qua đó tạo được sức mạnh đồng thuận của người dân, bước đầu gầy dựng được thương hiệu.
Nay có được cơ chế đặc thù, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi trong phát triển, nhưng đồng thời gánh nặng tâm lý của Đà Nẵng cũng sẽ lớn hơn, bởi cùng lúc Đà Nẵng vừa phải duy trì được những thành tựu trong thời gian qua lại vừa phải tạo nên những kỳ tích mới cho tương xứng với các ưu đãi/lợi thế do cơ chế đặc thù mang đến. Đó là chưa kể so với trước đây, Đà-Nẵng-đã-có-cơ-chế-đặc-thù còn phải tỏ rõ sức thu hút lẫn sức lan tỏa của một trung tâm đối với các tỉnh bạn trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
3. Theo Nghị định số 144/2016/NĐ-CP, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương cho ngân sách Đà Nẵng để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố; ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Đà Nẵng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Thuận lợi như vậy là quá rõ ràng nhưng trách nhiệm đứng mũi chịu sào trong khu vực của Đà Nẵng vì thế cũng tăng lên, đòi hỏi Đà Nẵng phải tự mình nâng cao năng lực tổ chức thực hiện dự án sao cho kịp thời và hiệu quả.
Đà Nẵng càng phải tự mình nâng cao năng lực tổ chức thực hiện dự án sao cho kịp thời và hiệu quả khi UBND thành phố được phân cấp quyền phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ ODA hoặc phi Chính phủ nước ngoài không hoàn lại đối với các dự án - trừ các khoản viện trợ trên một số lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đà Nẵng đang sẵn sàng gánh vác trọng trách này nhưng không thể không lo.
4. Cũng theo Nghị định số 144/2016/NĐ-CP, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định ổn định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Đà Nẵng để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Câu chuyện tăng tỷ lệ điều tiết đối với một số địa phương nộp ngân sách về Trung ương đang được thảo luận tại nghị trường Quốc hội, vì vậy với quy định nêu trên, Đà Nẵng có thể yên tâm hơn nhưng rõ ràng vẫn không thể không lo trước khả năng biến động đáng kể về nguồn lực ngân sách do tỷ lệ điều tiết có thể tăng đột biến từ năm 2017.
Đặc thù nhất trong cơ chế đặc thù lần này là ngân sách Trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho thành phố Đà Nẵng 70% - chứ không phải không quá 70% - số tăng thu hằng năm so với dự toán được giao, nhưng lại lo rằng liệu có thu đủ không - chứ đừng nói vượt - khi mức giao dự toán thu ngân sách 2017 cho Đà Nẵng có khả năng cao hơn gấp đôi bình quân cả nước.
5. Đặc thù là phải có sự khác biệt so với cái chung, thậm chí có những điểm chưa từng được quy định trong pháp luật hiện hành. Có thế cơ chế đặc thù mới đủ sức tạo nên sức mạnh vượt trội cần thiết để phát triển.
Chính vì vậy chỉ có thể giao cơ chế đặc thù cho một số địa phương nhất định - không thể dàn đều theo kiểu nơi nào cũng gọi là trung tâm - và cũng chính vì vậy điều mong đợi nhất của Đà Nẵng hiện nay là làm sao để cái đặc thù hôm nay sẽ không nhanh chóng trở thành cái phổ biến trong một tương lai gần.
Vấn đề là một khi được hưởng cơ chế đặc thù, Đà Nẵng có đủ sức vượt qua trở lực và có đủ tinh thần trách nhiệm để làm được những gì tốt nhất vì lợi ích tối thượng của đất nước hay không, để thực sự trở thành đầu tàu/động lực phát triển đối với các tỉnh bạn trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên hay không…
Kế thừa được những kinh nghiệm thành công trong quá trình hai mươi năm trực thuộc Trung ương và nhất là được tiếp sức bằng cơ chế đặc thù mà Chính phủ vừa giao, hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm đáp ứng kỳ vọng của đồng bào cả nước để tiếp tục lập nên kỳ tích mới.
BÙI VĂN TIẾNG