.

Thêm một quyết định được lòng dân

.

Cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải đã lùi xa gần 160 năm. Độ lùi thời gian hàng trăm năm có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn một sự thật lịch sử: Thành trì không giữ được nước. Chỉ có lòng dân mới giữ được nước!

Hệ thống phòng thủ Đà Nẵng - từ Điện Hải đến An Hải, Định Hải, Ngự Hải… - có thể nói là hệ thống chiến lược không ngừng được đầu tư và được gia cố liên tục qua các triều vua Nguyễn, nhưng đã bị hỏa lực của liên quân Pháp - Y Pha Nho vô hiệu hóa ngay từ những trận đánh đầu tiên.

Xem xét tương quan kỹ thuật quân sự, có thể nói vào thời điểm năm 1858, cái “thuẫn” phương Tây trong tư duy của vua Gia Long vẫn chưa thể chống đỡ được cái “mâu” Tây phương vốn đang đi trước chúng ta cả một thời đại.

Trong tình hình đó, chỉ có lòng dân mới là bức trường thành hết sức bền vững, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải, cầm chân quân thù, không cho chúng tràn vào đất liền, đổ quân lên bộ, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch và cuối cùng đã buộc quân đội viễn chinh Pháp phải triệt thoái khỏi Đà Nẵng vào năm 1860…

Là pháo đài quân sự duy nhất được xây dựng theo kiến trúc Vauban ở Đà Nẵng còn được bảo tồn cho đến ngày nay, Thành Điện Hải được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16-11-1988 và gần đây, con đường dẫn vào thành cũng được người Đà Nẵng đặt tên lại là đường Thành Điện Hải.

Những nỗ lực bảo tồn di sản Thành Điện Hải như vậy rất được lòng dân. Đặc biệt trong vòng 2 tháng qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã liên tiếp thể hiện trách nhiệm của hậu thế đối với “bàn thờ của thành phố” - theo cách nói của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ - bằng một số quyết định có thể nói là rất được lòng dân, khi trong cuộc họp quy hoạch kiến trúc hồi tháng 10 đã quyết định không xây dựng Trung tâm Lưu trữ thành phố tại vị trí đã quy hoạch trước đây ở sát bờ tường phía bắc thành, đồng thời di dời 54 hộ dân đang ở sát bờ tường phía tây thành;

cách đây hai hôm, trong cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy chiều 27-12 đã quyết định chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về tòa nhà số 42 Bạch Đằng hiện là trụ sở HĐND thành phố. Tất cả đều nhằm trả lại cảnh quan vốn có của một di sản vật thể vào loại có một không hai của đất nước - Thành Điện Hải.

Đó là chưa kể quyết định rất được lòng dân này còn tạo điều kiện để có thể sớm xử lý một khiếm khuyết về kiến trúc liên quan tới tòa nhà đang làm Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay. Việc xây dựng một bảo tàng lịch sử - chứ không phải một siêu thị hay cao ốc văn phòng - trên nền Thành Điện Hải vẫn có thể chấp nhận được.

Điều đáng buồn nhất - và vì thế mà phát sinh nhu cầu chuyển Bảo tàng Đà Nẵng đến nơi mới - là tòa nhà này được thiết kế theo một phong cách kiến trúc không hài hòa, không phù hợp với phong cách kiến trúc Vauban của Thành Điện Hải nên trông rất phản cảm.

Vì vậy, khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về tòa nhà số 42 Bạch Đằng thì tòa nhà trên nền thành cũng cần phải được chỉnh trang về phong cách kiến trúc để trở thành Bảo tàng Điện Hải - một bảo tàng chuyên đề lưu giữ ký ức hào hùng của cuộc Chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Đương nhiên khi tham quan Thành Điện Hải, khách tham quan trong và ngoài thành phố cùng du khách nước ngoài không chỉ muốn tiếp cận tư liệu, hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Điện Hải, mà chủ yếu muốn nhìn ngắm toàn cảnh thành Điện Hải với các bờ tường dày đông-tây-nam-bắc, các chiếc cầu, cửa thành và hào nước chung quanh, cùng bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải - cũng đang được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.

Quyết định rất được lòng dân của Ban Thường vụ Thành ủy chiều 27-12 còn tạo điều kiện để bảo tồn tốt hơn nữa tòa nhà số 42 Bạch Đằng. Ngay những năm đầu thế kỷ XX, Tòa Đốc lý Tourane (sau này là Trụ sở UBND cách mạng lâm thời thành Thái Phiên, Tòa Thị chính Đà Nẵng, Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng/UBND thành phố Đà Nẵng, Trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng) đã sớm được xây dựng trên đường Quai Courbet/Bạch Đằng nhìn thẳng ra sông Hàn với tư cách là trụ sở của bộ máy quyền lực đầu não ở địa phương. Sau năm 1975, tòa nhà số 42 Bạch Đằng được mở rộng về phía bắc nhưng phần mới phát sinh vẫn tuân thủ phong cách kiến trúc Pháp của cả tòa nhà.

Khi UBND thành phố chuyển vào làm việc tại Trung tâm Hành chính số 24 Trần Phú, việc chuyển HĐND thành phố về làm việc tại tòa nhà 42 Bạch Đằng là phù hợp.

Nhưng sẽ phù hợp hơn rất nhiều nếu chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về đấy, bởi bản thân tòa nhà 42 Bạch Đằng cũng là một di tích lịch sử - một bảo tàng ngoài trời, với một phong cách kiến trúc cho đến nay vẫn chưa hề lạc hậu, khi trở thành một bộ phận hữu cơ của Bảo tàng Đà Nẵng chắc chắn sẽ được chuyên nghiệp hóa về bảo tồn di sản cũng như về quảng bá giá trị lịch sử và văn hóa của công trình kiến trúc này. Được lòng dân là được tất cả!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.