Dư luận trong tuần qua xôn xao về việc xe của Đội trật tự đô thị phường Bình Thuận, quận Hải Châu đậu ngay tại điểm dừng đón, trả khách của xe buýt trên đường Phan Châu Trinh bị Cảnh sát giao thông Công an thành phố phạt “nguội” 700.000 đồng đã làm “nóng” dư luận xã hội.
Có lẽ sự kiện này “nóng” lên là do việc xử phạt được thực hiện qua hình ảnh người dân cung cấp cho Cảnh sát giao thông thông qua Facebook của đơn vị này và xe vi phạm lại chính là của Đội trật tự đô thị phường!
Ở cái lẽ thứ nhất, việc xây dựng trang xã hội Facebook của Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân; tạo kênh tương tác quan trọng, trở thành “tai mắt” rộng khắp và đáng tin cậy. Việc lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh thông tin, thực hiện việc xử lý nghiêm đã tạo niềm tin cho người dân; nhất là ở đây lại xử phạt một trường hợp xe của chính quyền - tỏ rõ phương châm “quân pháp bất vị thân”, hay “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”!
Nói rộng ra một chút, trong thời đại bùng nổ thông tin dựa trên công nghệ kỹ thuật số, việc các cơ quan chức năng tận dụng thông tin từ người dân cung cấp ngày càng cần thiết; ai biết khai thác một cách nhanh nhạy sẽ tạo nên hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Sự ủng hộ, cung cấp thông tin của người dân, sẽ tạo nên một kênh thông tin quan trọng; nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh phức tạp... nhưng lực lượng chức năng còn chưa đủ trang bị về nhân lực, vật lực để kiểm soát trên lĩnh vực được phân công.
Đồng thời, từ đây, cũng cho thấy quyền lực giám sát thực sự của người dân; bởi những hành vi vi phạm thuộc dạng này trước đây thường được “làm ngơ”, hoặc thiếu chứng cứ “không bắt tận tay day tận mặt” do lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng hoặc hành vi vi phạm chỉ xảy ra trong thời gian ngắn...
Sự việc này, hay việc xe “biển xanh” lấn làn xe buýt nhanh ở Hà Nội vào đầu tháng 2 bị xử lý tới nơi tới chốn cũng cho thấy hiệu quả giám sát của người dân. Dân tin, dân phản ánh và giám sát cả việc xử lý - đó là mặt tích cực cần được phát huy của thời đại bùng nổ thông tin này!
Cái lẽ thứ hai, đó là việc xe vi phạm của Đội trật tự đô thị phường Bình Thuận. Có thể, đây chỉ là lỗi của lái xe; nhưng trước hết, Đội trật tự đô thị của phường phải chịu trách nhiệm, bởi dư luận cho rằng, xe của đội trật tự mà vi phạm thì làm sao xử lý vi phạm của các đơn vị, cá nhân khác; trong khi thành phố đang tập trung xây dựng “Thành phố 4 an”, văn minh đô thị, quyết liệt trong vấn đề giải quyết trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; nhất là tại một quận trung tâm như quận Hải Châu.
Bởi lẽ, để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật, thì không chỉ bằng biện pháp “nêu gương” - cán bộ, đảng viên nêu gương thì nhân dân theo đó mà làm. Không phải đến bây giờ, mà ngay từ xưa ông bà ta đã dạy “Bề trên ở chẳng kỷ cương/ Cho nên kẻ dưới lập đường mây mưa”. Trong thời đại mà mọi người đều có công cụ để ghi lại bằng chứng sai phạm và người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin thì việc nêu gương càng cần được chú trọng thực hiện hơn!
Dư luận cũng hoan hô và cho rằng, nên nhân rộng mô hình xử phạt này trong cả nước để bảo đảm trật tự kỷ cương phép nước. Thế nhưng, chỉ mong rằng, qua sự việc này, mỗi đơn vị, cá nhân chú trọng “nhìn trước ngó sau” để mỗi hành động, lời nói, việc làm của mình theo đúng khuôn khổ pháp luật, theo đúng thuần phong mỹ tục... thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều!
MINH THƯ