Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP về việc yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí ít nhất mỗi tháng/lần. Đây là bước tiến rất quan trọng trong việc chỉ đạo tổ chức cung cấp thông tin một cách kịp thời, công khai minh bạch đến các cấp chính quyền và người dân.
Chúng ta đang cùng cả nước nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016). Khẩu hiệu cốt lõi do Đại hội VI năm 1986 của Đảng đề ra là “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Trong phương châm này có hàm ý về nhận thức, về tư duy, về năng lực đánh giá thực trạng và dự báo, và có cả vấn đề thông tin, đó là yêu cầu “nói rõ sự thật”.
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn tình trạng hạn chế thông tin, thiếu minh bạch và kịp thời trong công tác thông tin. Tất nhiên những ai đã và đang làm công tác thông tin, công tác tuyên giáo của Đảng và Nhà nước đều quá thông tỏ rằng: không phải bất cứ thông tin nào cũng công khai. Đã có nhiều điều luật quy định rõ về bí mật thông tin.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bưng bít thông tin. Về động cơ dẫn đến sự không minh bạch thông tin, đã có nhiều nhà nghiên cứu phân tích ở nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh những động cơ xấu, lợi dụng việc hạn chế thông tin để che giấu những hành vi sai trái, thậm chí tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ “lợi ích nhóm”, đi ngược lợi ích chung của cộng đồng, còn có những nguyên nhân khác thuộc về “đà trượt” của thói quen hạn chế thông tin từ những thập kỷ trước đây, thời kỳ còn bao cấp, kể cả “bao cấp thông tin”.
Quả thật, có một thời kỳ, cơ quan cung cấp thông tin cho rằng việc thông tin quá rộng nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh là “không có lợi”. Cách làm như vậy cũng đã từng phát huy hiệu quả nhằm tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động để cả nước cùng vượt qua nhiều khó khăn thách thức trong thời chiến cũng như thời kinh tế khủng hoảng.
Bối cảnh xã hội ngày nay đã khác trước rất nhiều. Những khó khăn ngặt nghèo về kinh tế - xã hội đã qua, đất nước đang trong tiến trình hội nhập đầy đủ với thế giới. Cộng đồng nhân loại ngày nay được ví như một “ngôi làng toàn cầu” (global village), là một “thế giới phẳng”.
Thông tin rộng mở hơn. Với các thiết bị và phương tiện hiện đại, với nhiều nguồn cung cấp và phát tán thông tin, một người dân bình thường cũng có thể tiếp cận nhiều luồng thông tin rất đa dạng, rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Mặt tích cực là con người trở nên “thông thái” hơn với những thông tin được trang bị đầy ắp, nhưng mặt trái của nó là xuất hiện sự phân tâm trong xã hội do “nhiễu” thông tin. Vì vậy, đây là lúc kênh thông tin của Đảng và Nhà nước phải trực diện đứng ra đối mặt kịp thời và nhanh nhạy chống lại những luận điệu xuyên tạc bóp méo sự thật bằng chính sự minh bạch thông tin chính thống.
Cách làm này sẽ làm sáng tỏ những thông tin hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo được các kênh thông tin không chính thống tung ra hằng ngày hằng giờ làm nhiễu loạn thông tin qua các trang mạng, rồi theo đó, bằng con đường truyền miệng, đến các tầng lớp nhân dân. Tình trạng thông tin thiếu kịp thời sẽ tạo “khoảng trống” để những thông tin ngoài luồng len lách vào, hoặc đã vào rồi thì khắc sâu thêm, thậm chí có khi còn tạo ra tâm lý thiếu tin, “dị ứng” với những thông tin chính thống.
Người Việt ta quý trọng nhất là sự chân thành. Thông tin chính thống có khi công khai minh bạch cả những khó khăn, những thách thức, những vấn nạn trong xã hội, đôi khi cả trong chính trị, trong đối ngoại nữa. Có khi sự minh bạch này lại làm cho tâm lý người dân yên tâm hơn, theo cái nghĩa là “à, sự thật là vậy” để rồi cùng chia sẻ với Đảng, với Nhà nước, để rồi tự mình cảm thấy phải có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với các sự kiện, từ đó, phấn đấu nỗ lực hơn trên cương vị công tác của mình. Trải qua bao năm được rèn luyện, đại đa số nhân dân hiện nay đã có nhận thức cao hơn nhiều.
Họ biết đâu là thật, đâu là giả. Đâu là hiện tượng, đâu là bản chất. Nếu như vì một lý do nào đó mà quá chú trọng việc “chăm sửa” cho “tròn trịa” thông tin, thì có khi tạo ra hiệu ứng tư tưởng không như mong muốn. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, hội nhập với thế giới. Vì vậy, việc kịp thời, công khai, minh bạch thông tin chính thống là điều rất quan trọng.
Đây chưa nói đến khía cạnh pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân mà chỉ xét trên thực tế, nếu thông tin bị bưng bít thì người dân hiểu rằng cái xấu, cái tiêu cực vẫn còn nơi ẩn nấp. Việc không minh bạch thông tin chính thống có khi vô hình chung làm hạn chế hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và phần nào làm cho một bộ phận nhân dân thiếu niềm tin, tạo nên sự bất ổn tâm lý trong xã hội.
Với những quy định rất cụ thể về thời gian định kỳ cung cấp thông tin, hình thức, phương thức, pháp nhân cung cấp thông tin..., Nghị định 09/2017/NĐ-CP lần này của Chính phủ đã thực sự góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng chống thông tin, quan điểm sai trái, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra, là cách để thực sự nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trước tình hình hiện nay.
NẠI HIÊN