Chủ đề liên kết và phát triển kinh tế vùng một lần nữa được xới lên tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 vừa tổ chức tại Đà Nẵng. Các quan chức Trung ương và địa phương, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp… tập trung tìm ra phương cách góp phần đánh thức vùng đất duyên hải (từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận) nghèo khó, thường xuyên chịu đựng thiên tai địch họa, nhưng lại rất giàu tiềm năng này.
Tiếp theo đó, một hội nghị khác về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Cần Thơ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai sự kiện quan trọng này đã khắc họa rõ thêm tính nghiêm trọng và bức xúc của vấn đề liên kết và phát triển kinh tế vùng vốn dĩ lâu nay vẫn còn đang bỏ ngỏ.
TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định: “Thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất cản trở Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng khai thác tiềm năng một cách tối ưu. Đây là vấn đề đã được nhận ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải…”.
Cũng cần nhắc lại rằng, tư duy quản lý vĩ mô về phát triển kinh tế vùng đã được pháp lý hóa cách đây hơn 10 năm tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, toàn bộ nền kinh tế được chia thành 6 vùng (vùng trung du miền núi phía Bắc/ vùng đồng bằng sông Hồng/ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung/ vùng Tây Nguyên/ vùng Đông Nam Bộ/ vùng đồng bằng sông Cửu Long) gắn với các nội dung quy hoạch phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội có liên quan.
Rất tiếc, chủ trương quan trọng này gần như không được hiện thực hóa. Trong đó, nguyên nhân rất quan trọng là không xác định được ngay từ đầu một khuôn khổ thể chế và hệ thống cơ chế động lực hợp lý để khuyến khích tính tương tác, liên kết phát triển giữa các vùng kinh tế và trong phạm vi từng vùng kinh tế khác nhau.
Thậm chí, giữa các tỉnh/thành phố láng giềng với nhau, sự liên kết đôi khi vẫn gặp nhiều trắc trở xuất phát từ những lý do “rất khó nghĩ”. Từ đó suy ra nếu những việc nhỏ chúng ta vẫn loay hoay mãi thì làm sao có thể giải quyết những việc lớn.
Một ví dụ, quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng nằm giữa ranh giới thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tuy đã được Chính phủ phê duyệt cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn mãi ì ạch, chưa có sự bứt phá nào đáng kể.
Hoặc cụm di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc ranh giới phường Hòa Hiệp Bắc (Đà Nẵng) và thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), hàng chục năm qua bị bỏ rơi, không được trùng tu, xuống cấp nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do sự “giằng co trách nhiệm” khi phân định địa giới hành chính giữa hai địa phương.
Mãi đến năm 2017, hai bên mới thống nhất cùng trình hồ sơ để Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong thực tế còn rất nhiều dẫn chứng tương tự phát sinh ở các địa phương khác trong phạm vi cả nước. Vấn đề đặt ra là, nếu có một mô hình điều phối thực sự hợp lý thì sẽ cho phép phát hiện và khắc phục nhanh chóng những hiện tượng bất cập nói trên, còn không chính chúng ta sẽ tiếp tục tự làm suy yếu lẫn nhau.
Động lực liên kết và phát triển kinh tế vùng trước hết phụ thuộc vào chiến lược quy hoạch tổng thể đi đôi với những công cụ điều tiết có hiệu lực của chính phủ Trung ương. Có thể khẳng định đây là điều kiện tiên quyết để khởi xướng và dẫn dắt xu hướng liên kết và phát triển trong toàn bộ nền kinh tế và từng vùng kinh tế nói riêng.
Nói như vậy để không thể hoàn toàn trách cứ các địa phương tại sao lại không chủ động trong tiến trình này, bởi một lẽ hết sức đơn giản là họ chưa bao giờ được giao phó hoặc có đủ thẩm quyền để tham gia và quyết định những vấn đề thuộc về thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội.
Việc đề xuất nếu có chăng chỉ xuất phát từ thiện chí của những người lãnh đạo có tâm huyết chứ không hẳn là trách nhiệm chính trị hoặc trách nhiệm công vụ buộc họ phải “lao tâm khổ tứ”. Chỉ riêng việc lo lắng câu chuyện “cơm áo gạo tiền” cho chính địa phương mình thôi đã tốn biết bao tâm sức rồi, làm sao lại dám bao đồng xông pha đảm trách việc thiên hạ!
Mặc dù chủ trương quy hoạch vùng kinh tế đã xác định từ lâu, nhưng như thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, cho đến nay việc phân bổ ngân sách cho vùng chưa bao giờ được tính đến? (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 25-9-2017).
Đây là dẫn chứng rõ nét cho thấy lâu nay phương thức phân bổ nguồn lực nói chung, ngân sách nói riêng vẫn mãi bám víu vào tư duy địa giới hành chính là chủ yếu. Phương thức này khiến 63 tỉnh/ thành phố (chưa đề cập 679 quận/ huyện/ thị xã… trực thuộc) mặc nhiên trở thành những pháo đài cát cứ, mạnh ai nấy chạy, làm trầm trọng thêm tính cục bộ địa phương, tiêu tán nguồn lực, xói mòn khả năng liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Cũng cần lưu ý rằng, nếu biết cách “mềm hóa” tư duy địa giới hành chính, biết sắp đặt một cách thông minh, hài hòa giữa những vùng miền còn khó khăn với những nơi thuận lợi hơn trong tổng thể vùng kinh tế phù hợp, thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát huy sức mạnh lợi thế cạnh tranh, khắc chế và hóa giải các thách thức đặt ra để cùng nhau đồng hành phát triển.
Liên kết phát triển kinh tế vùng đòi hỏi phải có một mô hình điều phối quản lý tương thích với sự phân cấp mạnh mẽ, toàn diện hơn. Cụ thể là phân cấp về thể chế luật pháp, cơ chế tổ chức quản lý Nhà nước, thủ tục hành chính, thẩm quyền điều tiết nguồn lực ngân sách Trung ương và địa phương...
Hiện nay, về mặt danh chính ngôn thuận thì Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung thực ra chỉ là một tổ chức diễn đàn không hơn không kém, thành lập dựa trên sáng kiến của cơ quan truyền thông và sự chủ động của các cấp chính quyền địa phương.
Diễn đàn mỗi khi đến hẹn lại lên thì họp, kiến nghị đề xuất thì nhiều nhưng không có khả năng và trọng lượng để nâng tầm thành quyết sách/ chính sách phát triển cụ thể. Việc nghiên cứu pháp lý hóa mô hình điều phối vùng kinh tế là chủ trương cần phải sớm được đặt ra.
Tất nhiên mục tiêu không phải là phình ra thêm một kiểu quản lý cầu cấp trung gian, mà phải là một tổ chức tương tự “bộ phận đặc nhiệm” (task force) trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, tinh gọn và hiệu quả. Trong đó một số Bộ, ngành Trung ương chủ chốt đóng vai trò cầm chịch, có sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương (tỉnh/ thành phố), huy động sự phản biện của các tổ chức đoàn thể xã hội quần chúng, các tổ chức tư vấn, nghiên cứu trong và ngoài nước.
Tồn tại lớn hiện nay là mỗi vùng kinh tế dường như vẫn chưa xác định rõ đâu là điểm tựa/ đòn bẩy chiến lược nhằm hình thành nên các cực, các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế, thông qua các mô hình đặc khu kinh tế/ khu công nghệ cao/ những dự án cơ sở hạ tầng huyết mạch…
Từ đó tập trung nguồn lực, chỉ đạo triển khai làm thực chất, làm đến nơi đến chốn, không đánh trống bỏ dùi, tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ cho cả vùng và cả nước. Hiện tại về mặt quy hoạch phát triển, bên cạnh 6 vùng kinh tế theo Nghị định 92, tồn tại thêm 4 vùng kinh tế trọng điểm khác: vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ/ vùng KTTĐ Miền Trung/ vùng KTTĐ phía Nam/ đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tiễn cho thấy phương thức quy hoạch chồng lấn như vậy đã dẫn đến sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau, không tạo ra sự đoàn kết thống nhất cao, hậu quả là vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn rất mờ nhạt, cứ phần ai nấy lo.
Suy cho cùng, nền tảng quan trọng nhất của mọi cơ chế liên kết phát triển đều phải đặt trên tầm nhìn dài hạn và phẩm chất chính trị ưu tú của người lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Nếu không vượt qua được tâm lý tự ti, cục bộ, tư duy nhiệm kỳ để thực hiện tư tưởng đồng hành cùng cả nước, vì cả nước thì khó có thể nghĩ đến thành công.
TÂM DÂN