Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI đề ra mục tiêu phấn đấu “Hoàn thành Đề án giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020”, đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, Chỉ thị 24-CT/TU, Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân, thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”...
Thành phố tập trung các giải pháp như hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo có phương tiện sinh kế để sản xuất; trợ giúp việc học tập, học nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, nhất là các hộ trong diện thu hồi đất sản xuất. Tập trung nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng Đề án giảm nghèo theo chuẩn mới; 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.
Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Đề án “Có việc làm” trong chương trình “Thành phố 3 có”, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm định kỳ, cung cấp thông tin, dự báo, kết nối cung – cầu lao động. Chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2020 giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự cống hiến của thế hệ trẻ. Trong đó có vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên các cấp trong việc khơi gợi nhiệt huyết trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN), tiếp tục định hướng, khích lệ, tạo môi trường tốt nhất cho ĐVTN hoạt động, cống hiến và trưởng thành.
Trước kỳ vọng đó, văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022 nêu rõ thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tập trung xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, hoạt động hiệu quả, hấp dẫn, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia. Đặc biệt triển khai một số đề án như đề án đào tạo trung cấp lý luận chính trị và kỹ năng thanh thiếu nhi cho 200 cán bộ Đoàn chủ chốt phường/xã, quận/huyện; đề án “Giáo dục thanh niên bằng phương pháp phát triển kỹ năng”; đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên thành phố; thành lập “Quỹ hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp”.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp tiếp tục triển khai nội dung “3 phong trào”, “3 chương trình” xoay quanh các hoạt động tình nguyện, sáng tạo, khởi nghiệp trẻ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng “Thành phố 4 an”, “Thành phố 5 không”, “3 có”…
Để cụ thể hóa quyết tâm này, các cấp bộ Đoàn xác định thực hiện một số chỉ tiêu lớn như triển khai 10 công trình thanh niên cấp thành phố, trồng mới 15.000 cây xanh; hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách; trao 5 tỷ đồng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ ít nhất 200 ý tưởng, sáng kiến, đề tài của ĐVTN được áp dụng trong thực tiễn; hỗ trợ ít nhất 20 dự án khởi nghiệp cho thanh niên; phối hợp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 50.000 thanh niên.
Có thể nói, những con số cụ thể trên đã cho thấy quyết tâm của các cấp bộ Đoàn ở Đà Nẵng sẵn sàng đồng hành, cống hiến sức trẻ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mỗi ĐVTN cần nỗ lực hơn nữa trong việc học tập, rèn luyện, có năng lực, kiến thức, đạo đức và tác phong tốt, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao.
Để làm được điều đó, các cấp bộ Đoàn phải có những cách làm hiệu quả; hiệu triệu được sự tham gia và cống hiến nhiệt tình, đầy trách nhiệm của thế hệ trẻ. Các chương trình của Đoàn không dừng lại trên văn bản chỉ đạo mà phải đi vào cuộc sống, có sức cuốn hút và cụ thể hóa bằng hành động cụ thể để mỗi ĐVTN làm theo và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Có như vậy, thì mới động viên thế hệ trẻ dốc hết sức mình, dấn thân vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc; như bao thế hệ trẻ trước đây của đất nước, của thành phố đã chung tay góp sức làm nên những trái ngọt của hôm nay.
Tiểu Yến