Biển phải là của chung, của cộng đồng, không của một dự án nào hết. Thông điệp của lãnh đạo thành phố đã chạm đến trái tim người dân, cũng như những người yêu Đà Nẵng, yêu bãi biển được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng tài nguyên không phải nơi nào cũng có: biển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Là người Việt Nam mà trong đời chưa một lần đến Đà Nẵng tham quan du lịch thì thật sự là điều hối tiếc”.
Tại hội thảo khoa học “Không gian công cộng ven biển duyên hải miền Trung” do Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) tổ chức ở Đà Nẵng gần đây, các kiến trúc sư (KTS), các nhà chuyên môn đầu ngành đã chia sẻ thông điệp “Đừng để tài nguyên không gian ven biển bị đánh cắp”; “Không gian công cộng ven biển không thể bị đánh cắp”.
Thông điệp của giới KTS, các chuyên gia hoạt động ở lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc được truyền đi trong sự lo lắng, bức xúc, như lời của KTS Hồ Duy Diệm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng: “Những nhà quy hoạch, KTS thời gian qua đã bị chi phối bởi những nhà quản lý, những chủ đầu tư dự án chạy theo kinh tế thị trường mà bỏ quên, hoặc bỏ mất tài nguyên không gian biển và đã chiếm dụng tài nguyên thiên nhiên ven biển vốn là tài sản của cộng đồng”.
Và “từ Đà Nẵng đến Mũi Né - Phan Thiết, nơi nào cũng chia lô, phân thửa để làm khách sạn, khu nghỉ mát, dẫn đến thừa nơi lưu trú nhưng thiếu không gian công cộng cho sự phát triển chung”. Trong khi đó, biển phải là của chung, người dân được bảo đảm quyền tiếp cận biển, vốn quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, được Quốc hội thông qua ngày 25-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2016.
Theo đó, luật quy định “bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển” (Khoản 1 Điều 23); việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải tuân theo nguyên tắc “Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”.
Ngày 27-7-2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển. Chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có việc rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất bảo đảm lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả; bảo đảm quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ…
Vậy mà ở Đà Nẵng, người dân phố biển vẫn nhớ... biển, bởi đi trên đường ven biển, nhất là đoạn đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (thuộc quận Ngũ Hành Sơn), chỉ nghe tiếng sóng dội về chứ không thấy biển. Việc mở đường ra biển, mở đường ven biển là mở hướng khai thác phát triển du lịch để ngành “công nghiệp không khói” hưởng “gà đẻ trứng vàng”. Thế nhưng, không gian công cộng ven biển bị lấn chiếm, bị bịt kín bởi các dự án nghỉ dưỡng.
Vậy, có kế sách nào khi nghe tiếng kêu cứu của các không gian công cộng? Câu trả lời là “Có!”.
Đó là “thông điệp” khẳng khái của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khi nhấn mạnh: “Biển phải là của chung, của cộng đồng, không của một dự án nào hết”. Tại cuộc họp báo ngày 11-1-2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố đã tích cực làm việc với các chủ đầu tư các dự án ven biển để mở thêm nhiều lối đi xuống biển. Ngoài ra, chính quyền đang tính toán để mở con đường nối công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn thẳng ra biển.
Chủ trương này cần được các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt hơn thông qua khơi gợi nhận thức trong khai thác tài nguyên ven biển phục vụ phát triển du lịch. Ông Robert Van Nouhuijs, Tổng Giám đốc Công ty Hyder (công ty tư vấn thiết kế quy hoạch - kiến trúc hàng đầu châu Á) khẳng định, việc phát triển không gian công cộng ven biển chính là tối ưu hóa các cơ hội cho lợi nhuận ngành du lịch, trong đó sự tham gia chủ động và đóng góp từ cộng đồng chính là sự sống còn cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Một không gian công cộng mở rộng với các bãi tắm, với con đường dạo ven bờ là sự cộng hưởng cho mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Một chuỗi kết nối không gian công cộng ven biển, chuỗi các sự kiện văn hóa - thể thao mà du lịch Đà Nẵng gây dựng là sự cộng hưởng để hình thành sản phẩm du lịch níu chân du khách. Ở đó, cộng đồng cư dân địa phương cùng tham gia, cùng hưởng thụ không gian biển; và nhà đầu tư, doanh nghiệp có thêm điều kiện tốt để làm ăn và đóng góp nhiều hơn cho thành phố. Đó là ước vọng chính đáng, đẹp đẽ và đó cũng là trách nhiệm của mình đối với thành phố.
Sau khi Báo Đà Nẵng khởi đăng loạt bài “Mở lối xuống biển”, rất nhiều người dân, du khách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kể cả doanh nghiệp – chủ đầu tư các dự án ven biển – đều đồng tình và ủng hộ chủ trương này. Và tất cả đều có chung một ý: cùng quyết tâm là sẽ làm được!
TRIỆU TÙNG