Cuộc đấu tranh không của riêng ai

.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng để mỗi đảng viên, mỗi chi bộ... trở thành hạt nhân nòng cốt, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong các phong trào cách mạng.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hay nói cách khác, Đảng phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hơn bao giờ hết - xây dựng Đảng cả về chính trị, tổ chức, tư tưởng, lẫn đạo đức, trí tuệ và năng lực để luôn ngang tầm với sự nghiệp cách mạng đòi hỏi. Tư tưởng và ý nguyện cao cả đó của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán trong quá trình lãnh đạo đất nước của Đảng ta.

Kể từ Đại hội khóa VI của Đảng, không một nhiệm kỳ nào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, được toàn Đảng, toàn dân hết sức mong đợi và kỳ vọng.

Nghị quyết nói về những việc cấp bách trong xây dựng Đảng, cụ thể là phải phòng, tránh và vượt qua được tình trạng suy thoái trong Đảng, trong đó hết sức quan ngại suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Tuy Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) rất đúng đắn và hợp lòng dân, ý Đảng nhưng trong suốt 5 năm, việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chưa tốt, chưa triệt để nên còn rất nhiều hạn chế. “Căn bệnh” suy thoái trong Đảng vẫn nặng nề, gây bức xúc trong Đảng và các tầng lớp nhân dân.

Vì thế, đến Đại hội XII, Đảng ta phải thừa nhận rằng, Đảng chưa trong sạch, vững mạnh thực sự, cần phải chỉ rõ những thực trạng, biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống và có những giải pháp căn cơ để chỉnh đốn Đảng quyết liệt, toàn diện thông qua Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), được ban hành vào tháng 10-2016.

Nghị quyết nêu 27 biểu hiện trên 3 vấn đề lớn, đó là: biểu hiện suy thoái về chính trị; biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Trong đó, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang là tác nhân vô cùng nguy hiểm, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội XHCN ở nước ta.

Hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, kể cả những người giữ cương vị cao trong bộ máy công quyền, thật sự là hồi chuông báo động về sự suy thoái của cán bộ, đảng viên. Tình trạng lợi dụng chức, quyền, hay sử dụng đồng tiền để mua danh, mua chức, mua dự án... khá phổ biến, làm lòng tin của nhân dân bị xói mòn nghiêm trọng.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cái nguy hiểm nhất trong “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự phai nhạt lý tưởng, không còn tin vào lý tưởng đấu tranh cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, đặc biệt là con đường xây dựng CNXH”.

Nhiều vụ án lớn đã và đang được các cơ quan chức năng điều tra, đưa ra xét xử với nhiều cán bộ cấp cao bị “dính chàm” thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của Đảng trong việc chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần vào cuộc đấu tranh để ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và chống sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có sức công phá mạnh mẽ, trở thành hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong phạm vi cả nước, trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Và Đà Nẵng cũng không thể đứng ngoài phong trào, xu thế chung đó.

Từ những sai lầm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và một số cá nhân đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đánh giá, kết luận là bài học vô cùng đau xót và sâu sắc đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố.

Trong một phát biểu mới đây tại cuộc gặp các cán bộ cấp cao trong quân đội nhân kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thừa nhận, một số cơ sở Đảng, cấp chính quyền của thành phố vẫn còn buông lỏng trong công tác giáo dục chính trị, quản lý cán bộ, đảng viên, để xảy ra những sai lầm, khuyết điểm, vi phạm đến đạo đức, lối sống.

Thậm chí, có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phải bị truy tố. Chính những việc làm đó của một số người đã vô tình hoặc cố ý gây nên những mối nghi ngờ, gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, của chính quyền.

Một khía cạnh không kém phần quan trọng trong cuộc đấu tranh chống sự “tự diễn biến” dẫn đến “tự chuyển hóa” hiện nay, đó chính là sự đoàn kết nhất trí trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể... để tạo nên sức mạnh của hệ thống chính trị.

Nói về Đảng, trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Và Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta.

Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Điều đó cho thấy, sự đoàn kết, nhất trí là nội dung tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhân tố cốt lõi cho sự thống nhất và vững mạnh của Đảng để đưa cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn. Vì suy cho cùng, chúng ta đấu tranh xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh là để các tổ chức Đảng ngày càng đoàn kết chặt chẽ, cùng hợp sức đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại thâm độc của kẻ thù trong và ngoài nước.

Có thể nói, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc “đấu tranh nội tâm” vô cùng gay gắt, quyết liệt trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu đưa cuộc đấu tranh này là nhiệm vụ của toàn thể hệ thống chính trị, là trọng trách không của riêng ai thì nhất định sẽ đạt những kết quả tốt đẹp.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.