Chuyện cuối tuần

Tiếng hát át tiếng than!

.

Vụ việc một người đàn ông ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh mang 3 con dao sang chém hàng xóm tử vong với nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn nhân hát karaoke sau khi nhậu nhẹt, ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người khác, đã trở thành đỉnh điểm trong mối mâu thuẫn xã hội do tình trạng hát hò sa đà từ Tết đến nay.

Đây không chỉ là cá biệt trên địa bàn Hà Tĩnh mà là một “hiện tượng” trên cả nước, nhất là ở các đô thị lớn, khu đông dân cư - trong đó có Đà Nẵng.

Tình trạng này là nỗi bức xúc lớn mà nhiều nạn nhân không biết than thở cùng ai, cùng lắm là lên mạng xã hội trải lòng hay đành ngậm ngùi im lặng, nên gọi là “tiếng hát át tiếng than”!

Phần lớn những tiếng hát vô tội vạ và không kiểm soát đó là do người dân còn “vô tư” trước những ứng xử trong cuộc sống, bởi những cuộc vui quá đà từ liên hoan, hội hè, tết nhất có kèm theo nhậu nhẹt… Hát từ sáng xuyên trưa, từ trưa đến tận khuya, bất chấp người già, trẻ em cần một chút không gian yên tĩnh; bất chấp những người lao động cần nghỉ ngơi sau một ngày dài vất vả mưu sinh.

Tiếng hát có thể là từ dàn loa “khủng” phục vụ đám cưới, liên hoan tổ, xóm… tổ chức ở khu dân cư; có thể là từ dàn karaoke gia đình mới sắm cần “khoe” với hàng xóm láng giềng; và mới đây là phong trào hát với dàn máy công nghệ - chỉ cần một chiếc micro không dây kết nối với loa thùng di động mọi lúc mọi nơi, mà dân gian thường gọi là “âm thanh kẹo kéo”.

Đặc biệt, khi đã nhậu nhẹt no say, có đông người tham gia, dường như tiếng hát, tiếng nhạc không có điểm dừng về công suất, dường như càng hét to càng được khen hay.

Mặc dù tình trạng này diễn ra cũng khá lâu, nhưng đến dịp Tết vừa qua trở nên đỉnh điểm. Cũng có nhiều ý kiến phản ánh đến cấp tổ dân phố hay với cơ quan chức năng nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bởi vẫn chưa có vụ việc xử phạt nào đến nơi đến chốn để làm gương. Ngay cả người dân bị quấy rầy cũng không dám lên tiếng trực tiếp với những người gây ra “thảm họa” bởi không biết hậu quả khó lường xảy ra lúc nào.

Thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã có những nỗ lực nhất định trong việc kiểm soát dàn “âm thanh kẹo kéo” phát ra từ các thùng loa di động trên đường phố, do những nhóm bán hàng rong diễn trò. Thế nhưng, việc nhắc nhở những trường hợp âm thanh quá cỡ từ dàn karaoke gia đình thì vẫn chưa được như ý; bởi bên cạnh việc khó kiểm soát thì một phần cũng do ý thức của một bộ phận người dân. Dù rất cố gắng trong tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhưng lối sống thị dân vẫn chưa trở thành lực lượng chiếm ưu thế để tạo nên ý thức chung cho cộng đồng.

Từ chuyện nhỏ như dàn âm thanh karaoke gia đình hay dàn loa di động…, nếu chấn chỉnh kịp thời, nếu tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân thường xuyên hơn, thì chắc có lẽ, tình trạng “tiếng hát át tiếng than” có thể sẽ giảm dần. Vấn đề quan trọng, đừng xem đó là những việc nhỏ; bởi xảy ra án mạng như ở Hà Tĩnh, hay hàng xóm láng giềng không nhìn mặt nhau vì… tiếng hát, thì rõ ràng đó không còn là chuyện nhỏ.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, năm 2018, thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến về bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống”. Bộ tiêu chí gồm 6 nhóm với 28 tiêu chí cụ thể; trong đó xác định đối tượng là người dân, du khách và nhà đầu tư; mục tiêu hướng đến là tạo được sự hài lòng cho người dân, phát triển bền vững và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Rõ ràng, trong việc tạo sự hài lòng cho người dân, thì cũng bắt đầu từ những vấn đề nhỏ nhất trong đời sống, để làm sao từ đó tạo nên mối quan hệ thân thiện, gần gũi, chan hòa… trong lối sống của hàng xóm láng giếng đến quan hệ xã hội.

Anh Quân-Phan Chung

;
.
.
.
.
.
.