Thành phố lễ hội và sự kiện hàng đầu khu vực

.

Khởi đầu từ năm 2008, với mục đích ban đầu là bắn pháo hoa để người dân và du khách thưởng lãm, giải trí, sau những năm liên tiếp tổ chức thành công, Đà Nẵng đã tạo sức hấp dẫn và thu hút sâu rộng sự theo dõi trong và ngoài nước, qua đó gắn thương hiệu Đà Nẵng với tên tuổi một thành phố có những màn trình diễn pháo hoa đẳng cấp quốc tế.

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) được lãnh đạo thành phố nâng tầm thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), một minh chứng khẳng định thương hiệu thành phố lễ hội hàng đầu châu Á, đồng thời là bước đi đột phá trong hành trình đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến lễ hội, sự kiện mang đẳng cấp quốc tế, được du khách trong nước cũng như quốc tế yêu thích.

Minh chứng cho sự mến mộ Đà Nẵng là chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, thành phố đã thu hút hơn 355.000 du khách trong và ngoài nước, tăng hơn 14% so với dịp nghỉ lễ năm ngoái.

Điều này khẳng định thành phố tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thân thiện. Vì thế, Trang dịch vụ đặt phòng trực tuyến Agoda công bố Đà Nẵng xếp thứ nhất trong top 20 điểm đến được khách du lịch Việt Nam yêu thích nhất dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Qua thành công của đêm khai mạc DIFF 2018 và mùa du lịch biển cho thấy, xây dựng thành phố của lễ hội và sự kiện là hướng đi rất đúng đắn của thành phố. Chính vì vậy, cần phát huy thế mạnh này, cùng với sự thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tạo ra cơ hội tốt để Đà Nẵng tiếp tục xúc tiến, quảng bá du lịch, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của lễ hội và sự kiện hàng đầu thế giới.

Có thể thấy, sự thành công của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trong 10 năm qua đã góp phần vào việc định hình thương hiệu thành phố lễ hội, sự kiện cũng như tăng trưởng cao của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 20,1%, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 25,4%, khách nội địa tăng bình quân 18,5%. Tổng thu du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân đạt 30,7%.

Riêng 2017, Đà Nẵng đón khoảng 6,6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 19.403 tỷ đồng, tăng 20,6 % so với năm 2016. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng được khẳng định qua sự bình chọn và đánh giá cao của du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới.

Đặc biệt, sự kiện thành phố Đà Nẵng được trao giải thưởng “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng mang tầm quốc tế.

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua, thành phố đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành bảo đảm môi trường du lịch an toàn, chống chèo kéo, đeo bám du khách, vi phạm về giá dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các khu trung tâm thành phố, tuyến đường ven biển, các khu điểm du lịch, các điểm tập trung đông du khách.

Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch tại các khu điểm du lịch, bãi biển du lịch, các điểm du lịch tự phát, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các thị trường khách trọng điểm nhằm bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, bền vững được quán triệt và tăng cường.

Một số vi phạm sau khi phát hiện đã được xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, sự thân thiện, mến khách của người Đà Nẵng cũng là một trong những “thương hiệu” để du khách lựa chọn thành phố biển này là điểm đến trong đời mình.

Tuy nhiên, để du lịch Đà Nẵng phát triển hơn nữa, vươn ra xứng tầm khu vực và quốc tế, thành phố Đà Nẵng cần xác định rõ mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực nào để tạo nên những sản phẩm riêng biệt, tiếp cận nhanh với xu thế phát triển trên thế giới.

Cần đưa ra những sản phẩm du lịch tầm cỡ, mang tính lâu dài để tạo sự tăng trưởng du lịch bền vững. Đồng thời, thành phố cần giải quyết hợp lý về quy hoạch, về quỹ đất phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Đà Nẵng.

Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đưa du lịch cả nước phát triển mạnh mẽ.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Đà Nẵng cần phát huy lợi thế đang có, tập trung triển khai các biện pháp thiết thực, gia tăng giá trị du lịch trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế chiến lược của thành phố.

Đồng thời, cần lựa chọn hướng đi mới, tạo sự khác biệt mang tính đặc trưng vùng, miền, đưa du lịch Đà Nẵng hội nhập tốt trước những cơ hội, cũng như vượt qua thách thức mang tính toàn cầu.

Diệu Minh

;
.
.
.
.
.
.