An ninh mạng, vấn đề cấp bách của toàn cầu

.

Kể từ ngày Internet ra đời và phổ biến rộng rãi đến nay, an ninh mạng là một trong những mối bận tâm lớn nhất của cả nhân loại.

Hiện nay, mọi hoạt động trong các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị, quốc phòng-an ninh… trên thế giới đều phụ thuộc rất nhiều và rất sâu vào sự vận hành của máy tính và các thiết bị có kết nối Internet.

Đi đôi với những lợi ích vô cùng to lớn và phong phú mà Internet mang lại cho đời sống của con người, nó cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho nhân loại khi nhanh chóng dẫn tới sự hình thành một loại hình tội phạm mới - tội phạm mạng - điều mà chúng ta không hề mong đợi chỉ trong vòng một thập kỷ trước.

Đây là một trong những thách thức hàng đầu khi tội phạm mạng gia tăng các vụ tấn công nhanh chóng, gây ra những hậu quả to lớn, khiến chính phủ của các quốc gia trên thế giới phải đau đầu để tìm ra những giải pháp cho sự an toàn của hệ thống mạng.

Theo các chuyên gia, hành vi phạm pháp của tội phạm mạng hiện nay xuất hiện dưới các dạng thức như: lừa đảo trực tuyến; đưa virus máy tính vào hệ thống máy tính của một công ty, đơn vị, của một cơ quan Nhà nước, một cơ sở quân sự, kinh tế… nào đó, ăn cắp thông tin tài khoản và mật khẩu người dùng trên một nền tảng nhất định, hay có những tác động để dẫn đến sự rối loạn, sự chuyển hướng sai mục đích gây nguy hại cho con người, cho an ninh đất nước; thúc đẩy tuyên truyền những điều dối trá, bịa đặt về một người nào đó, hay một tổ chức, thậm chí một nhà nước, kích động hận thù, bạo lực, gây chia rẽ dân tộc;  hoặc thậm chí mạo danh hay đánh cắp danh tính để phục vụ cho những toan tính đen tối khác... Bên cạnh đó, tội phạm mạng còn sử dụng Internet để hoạt động mại dâm, buôn bán các chất gây nghiện, tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên…

Chính vì vấn đề cấp bách như nói ở trên, việc tăng cường an ninh mạng đã trở thành xu thế lớn của thế giới. Hiện nay, không chỉ một mà rất nhiều bộ luật an ninh mạng đã ra đời ở hầu hết các quốc gia để bảo vệ công dân, các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước trước những mối nguy hiểm do tội phạm mạng gây ra bằng tất cả khả năng mà họ có được.

Các nước như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu (EU)… đều không ngừng tăng cường xây dựng lực lượng tác chiến mạng của mình, đặc biệt là sau sự kiện Edward Snowden, cựu nhân viên của NSA (Mỹ), công bố các tài liệu mật hồi năm 2013. Đơn cử, từ năm 2014, Australia lập ra Trung tâm An ninh mạng quốc gia (ACSC, Australian Cyber Security Centre), một cơ quan tích hợp các chuyên gia của Tình báo đối ngoại (Australian Signals Directorate), Tình báo quốc phòng, Bộ Nội vụ, Cảnh sát Liên bang…

Luật An ninh mạng trong EU bao gồm ENISA, Chỉ thị về An ninh mạng và An ninh thông tin (NIS) và Tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu chung của EU (EU GDPR) có những quy định rất chặt chẽ về việc cung cấp, bảo vệ, sử dụng dữ liệu… có địa chỉ cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ an toàn hệ thống mạng của khối và các thành viên. Nếu bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân cung cấp hay khai thác dữ liệu bất hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm.

Còn tại Mỹ, có 3 đạo luật an ninh mạng chính, đó là Đạo Luật về Quyền riêng tư trong lĩnh vực Y tế (HIPPA) năm 1996, Đạo Luật Gramm-Leach-Bliley trong lĩnh vực Tài chính năm 1999 và Đạo Luật An ninh nội địa năm 2002, trong đó bao gồm đạo luật Quản trị An ninh Thông tin Liên bang (FISMA). Chính phủ Mỹ cũng thành lập Bộ tư lệnh tác chiến an ninh mạng để đối phó với nguy cơ tin tặc ngày càng tấn công vào hệ thống mạng của cơ quan chính phủ cũng nhưng các cơ sở kinh tế, quân sự…

Đáng chú ý, để đối phó với nguy cơ tội phạm mạng gia tăng nhanh chóng, ngày 11-5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành chính nhằm tăng cường an ninh mạng cho chính phủ, bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ trước những cuộc tấn công mạng. Theo thông cáo của Nhà Trắng, sắc lệnh mới nhằm cải thiện an ninh mạng của các cơ quan chính phủ Mỹ trước tin tặc nước ngoài, sau khi hàng triệu hồ sơ cá nhân cùng nhiều thông tin nhạy cảm khác bị đánh cắp trong những năm gần đây. Mỹ còn theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn, khi người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Mỹ đều buộc phải kê khai địa chỉ email, chính danh trên các trang mạng xã hội để cơ quan An ninh Nội địa của nước này giám sát…

Cố vấn An ninh Nội địa của Nhà Trắng Tom Bossert cho biết thêm, sắc lệnh an ninh mạng này cũng hướng tới việc tăng cường bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống năng lượng, khu vực tài chính... trước những vụ tấn công tinh vi mà giới chức Washington cảnh báo có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia và làm tê liệt một phần nền kinh tế Mỹ.

Danh sách các hành vi bị coi là phạm pháp trên không gian mạng được Bộ Pháp điển Hoa Kỳ xác định bao gồm trộm cắp danh tính, hack, xâm nhập vào các hệ thống máy tính, khiêu dâm trẻ em, vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, luật an ninh mạng ở các tiểu bang của Mỹ có thể áp đặt thêm tội và một số tội chồng chéo khác.

Có thể nói, an ninh mạng là “lá chắn” sống còn của mỗi quốc gia trong thời đại cách mạng số chiếm lĩnh hầu như toàn bộ đời sống của con người.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, mà trên thực tế chúng ta đang hướng đến sự hòa nhập một cách toàn diện và sâu rộng về không gian mạng.

Vì thế, qua thực tiễn tình hình trong nước cũng như kinh nghiệm của các nước, việc Quốc hội nước ta đã xem xét, thảo luận và thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 11-6 vừa qua, là đáp ứng yêu cầu bức thiết để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trước hàng chục nghìn cuộc tấn công mỗi năm vào hệ thống mạng của các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; trước các loại tội phạm hoạt động cá độ, đánh bạc, môi giới mại dâm, đăng tải thông tin không có thật, vu khống, làm nhục, tán phát video, bài viết có nội dung không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của nước ta trên không gian mạng gây bức xúc trong xã hội, làm băng hoại giá trị đạo đức, nhân phẩm.

Mặt khác, Luật An ninh mạng của nước ta không hề vi phạm các điều luật quốc tế hay trái với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) của Việt Nam cũng như với CPTPP… Vì WTO, EVFTA và CPTPP đều là các cam kết song phương chứ không phải là điều luật quốc tế mang tính áp dụng trên toàn thế giới. Bởi vậy, các cam kết này hoàn toàn có thể thay đổi trong quá trình thực hiện giữa các chủ thể ký kết, chứ không áp đặt bắt buộc một bên nào đó phải tuân thủ khuôn rập mà không được kiến nghị lại.

Do vậy, cần hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng, cũng như những quy định, hướng dẫn cụ thể sắp tới đây sẽ được công bố rộng rãi cho toàn dân nắm bắt và để thi hành, nhằm bảo vệ tốt nhất các giá trị đích thực, chứ không như một số dư luận cho rằng bóp ngặt thông tin, làm mất quyền tự do của công dân.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.
.