Thi đua ái quốc - Di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh

.

Chúng ta đều biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước vĩ đại. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, cả dân tộc phải làm nô lệ cho thực dân Pháp, Người đã thổ lộ: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Từ ham muốn tột bậc ấy, Người đã đi tìm đường cứu nước và dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp thiêng liêng, với ý chí “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về lòng yêu nước nồng nàn. Trên hành trình cứu quốc và kiến quốc, với những hiểu biết sâu rộng về lịch sử dân tộc và với những hoạt động thực tiễn hết sức phong phú giữa lòng nhân dân, Người đã phát hiện một phẩm chất đặc biệt, một giá trị to lớn, một sức mạnh vô tận, một truyền thống quý báu của dân ta là lòng yêu nước.

Năm 1924, trong báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Người đã viết: “Chủ nghĩa dân tộc (ở đây ta hiểu là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc) là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của người Việt Nam.

Chính nó - lòng yêu nước - tinh thần dân tộc - đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế 1908, nó dạy cho những người cu li (công nhân) biết phản đối trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn thúc đẩy các nhà buôn Việt Nam cạnh tranh với người Pháp và người Tàu, nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1916”.

Người khẳng định: “Giờ đây người ta sẽ không làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên động lực đó”.

Năm 1951, trong Báo cáo chính trị do Người soạn thảo và trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 2 có một đoạn rất tha thiết, hùng hồn: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng to lớn mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Từ một kết luận, một chân lý “lòng yêu nước là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của người Việt Nam”, Người xác định “nhiệm vụ của (Đảng) ta là phải ra sức giải thích tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

Có thể nói, Thi đua ái quốc được khởi xướng với lời kêu gọi ngày 11-6-1948 của Người là thể hiện đầy đủ, là kết tinh trong sáng giữa cuộc vận động cách mạng rộng lớn và lòng yêu nước nồng nàn. Ở đây không chỉ là có thêm một dấu cộng (+) giữa hai từ thi đua và ái quốc, mà đây chính là sự gắn bó máu thịt tự nhiên được cô đọng trong những mệnh đề rõ ràng như những khẩu hiệu không thể ngắn gọn hơn:

Thi đua là yêu nước - Yêu nước phải thi đua - Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Những điều giản dị này, mọi người Việt Nam đều ý thức đây là lời Hồ Chủ tịch, là văn phong đích thực Hồ Chí Minh.

70 năm đã qua đi. Giờ đây đọc lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, chúng ta vẫn thấy tươi nguyên sức sống. Những điều Người trao gửi với nhân dân đúng là những quốc gia đại sự, là “diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, diệt giặc dốt” - là “thi đua dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân” và cả Chủ nghĩa Tam dân của ông Tôn Văn mà sao trở nên gần gũi như công việc, như bổn phận thường ngày của mình.

Hơn 1 năm sau, ngày 19-8-1949, Người nhắc nhở chúng ta đừng “tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với công việc hằng ngày, thực ra công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua. Thí dụ, từ trước đến nay, ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở, nay ta thi đua ăn, mặc, ở sao cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm”.

Người yêu cầu “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua”. Người nói rõ thêm “mọi người dân Việt Nam bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở thành một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa”. Và như không quên bất cứ một ai, Người viết tiếp rất cụ thể:

“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc.

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn.

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp.

Đồng bào công nông thi đua sản xuất.

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua công tác và phát minh.

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tình làm việc, phụng sự nhân dân.

Bộ đội và dân quân thi đua giết nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”.

Điều mà ngày nay chúng ta gọi là Thi đua ái quốc sẽ kết nối và lan tỏa toàn dân, đoàn kết toàn dân, cách đây 70 năm, Người trình bày giản dị mà đầy sức thuyết phục như vậy.

Từ ngày Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc cho đến khi Người vĩnh biệt chúng ta, trong hơn 20 năm, Người đã dành những tình cảm nồng ấm và sự quan tâm sâu sắc cho phong trào Thi đua ái quốc, cho những anh hùng, dũng sĩ, những chiến sĩ thi đua. Đây là những hoa trái của phong trào.

Người không chỉ quan tâm biểu dương những anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được vinh danh và được trao những huân chương cao quý. Người nói rằng “đó cũng chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hằng ngày góp gió thành bão đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà để đánh thắng giặc Mỹ”. Người dạy: “Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những công việc muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”.

Người đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người dạy: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và trong cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”.

70 năm qua, chúng ta đã có cờ Ba Nhất, gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, trống Bắc Lý và những La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân... Sức mạnh nêu gương của những điển hình tiên tiến ấy góp phần làm nên sức mạnh to lớn của nhân dân đánh thắng hai đế quốc to giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay chúng ta đều hiểu rõ hiệu ứng xã hội tích cực của Thi đua ái quốc là ở sức mạnh của sự nêu gương, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại. Chúng ta nhất định sẽ chủ động khai thác, phát huy hiệu ứng này để Thi đua ái quốc ngày càng cống hiến to lớn trong sự nghiệp ái quốc và kiến quốc như mong muốn của Người.

Những năm gần đây, nhiều người và dư luận xã hội rất băn khoăn lo lắng về những biểu hiện của bệnh thành tích, của tệ hình thức trong thi đua, nó đã và đang làm biến dạng phong trào, làm tổn hại phong trào có ý nghĩa lớn lao này.

Ở một số không ít địa phương, đơn vị, có khi cả một ngành lớn, thi đua đã đi chệch khỏi mục đích ích nước, lợi nhà mà là để mưu cầu danh lợi, người ta ngụy tạo thành tích cùng với việc chạy chức, chạy quyền, còn có nạn chạy huân chương, chạy danh hiệu.

Đúng là khi nền tảng kinh tế-xã hội đã chuyển sang cơ chế thị trường, những hiện tượng tiêu cực đó có thể giải thích được. Nhưng chúng ta tin rằng, với “động lực vĩ đại và duy nhất của người Việt Nam là lòng yêu nước”, chúng ta nhất định trả lại cho thi đua hồn cốt của nó, đó là lòng yêu nước để thi đua đích thực là Thi đua ái quốc, để phong trào thi đua sẽ vẫn đầy sức sống mạnh mẽ và lướt qua mọi khó khăn, nhấn chìm tất cả những tiêu cực sai trái.

Giáo sư Phan Ngọc có một nhận xét rất độc đáo “như con cá sinh ra là đã biết bơi, không ai phải dạy nó bơi cả; người Việt Nam sinh ra đã là người yêu nước”.

Chúng ta nhất định sẽ thắp sáng lên ánh lửa từ những trái tim của mọi người Việt Nam yêu nước để phong trào Thi đua ái quốc có những phát triển mới xứng đáng với Tổ quốc và thời đại.

Thi đua ái quốc là một di sản vô giá của Hồ Chủ tịch trao lại cho chúng ta. Thi đua ái quốc mãi mãi là một động lực mạnh mẽ để chúng ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.
.