Một trong những nội dung nghị sự quan trọng của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ là việc hội nghị thống nhất giao cho Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm chính trị đồng thời là thông điệp của cả tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhấn mạnh:
“Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”.
Không quá khó để nhận ra sự tinh tế trong mấy chữ “từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình”. Sở dĩ có tình trạng “một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân” như Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra trong diễn văn bế mạc hội nghị là do trong gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, không phải đồng chí nào cũng thật sự soi vào bản thân mình - chứ không chỉ và chủ yếu cũng không phải soi vào người khác - để chống lại cám dỗ đang tác động vào chính mình, để chống lại sự tha hóa của quyền lực và để từng đồng chí có thể trở thành tấm gương sống và tấm gương sáng trước hết là trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà trên diễn đàn của hội nghị này, Tổng Bí thư long trọng nhắc tới lời dạy của Bác Hồ về việc nêu gương: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Yêu cầu soi vào bản thân mình không mới đối với Đảng ta. Đó chính là yêu cầu tự phê bình của mọi đảng viên trong sinh hoạt Đảng, từ sinh hoạt chi bộ/đảng bộ cho đến sinh hoạt cấp ủy/sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có điều lâu nay việc tự soi vào bản thân mình/việc tự phê bình ấy thường mang tính đối phó, làm cho có chứ chưa thật sự soi, chưa thật sự phê bình và nhất là thường nhẹ trên nặng dưới.
Cho nên quyết tâm chính trị đồng thời là thông điệp “từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình” của Tổng Bí thư và tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này tạo được niềm tin của toàn Đảng toàn Dân vào kết quả của quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đương nhiên cán bộ, đảng viên trước hết ở đây là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và nói chung là người đứng đầu trong hệ thống chính trị các cấp.
Và hiểu theo một nghĩa nào đó, đây cũng chính là cán bộ thừa hành và là đảng viên bình thường chưa có chức vụ, bởi cán bộ thừa hành và đảng viên bình thường chưa có chức vụ cũng phải có trách nhiệm nêu gương đối với quần chúng nhân dân và người ngoài Đảng, đúng như câu nói dân gian “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà Bác Hồ từng nhắc lại trong bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3-2-1969.
Thế nhưng quy định mới về trách nhiệm nêu gương lần này chủ yếu nhằm đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp chiến lược có sức lan tỏa lớn, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Qua thảo luận tại hội nghị, có nhiều nội dung nêu gương rất quan trọng đã được đề cập và trao đổi, chẳng hạn như phải luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - theo tôi đối với cán bộ cấp chiến lược thì nội dung nêu gương này là quan trọng nhất.
Ngoài ra có một nội dung nêu trong dự thảo quy định mới về trách nhiệm nêu gương cũng được dư luận chú ý và hoan nghênh là vấn đề từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Thật ra đây là cách ứng xử gương mẫu cần có khi “từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình”, và mặc dầu vẫn chưa phải là văn hóa từ chức đúng nghĩa - từ chức chủ yếu vì liên đới trách nhiệm công vụ, nhưng nếu được như vậy cũng sẽ góp phần chứng tỏ sức thuyết phục của thông điệp “từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình” mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, đồng thời tạo tiền đề để sớm hình thành văn hóa từ chức ở nước ta.
BÙI VĂN TIẾNG