Những trái tim yêu thương

.

25 thầy, cô giáo tiêu biểu được biểu dương trong lễ tuyên dương, khen thưởng vừa qua do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức là những người đưa đò miệt mài với sự nghiệp trồng người. Và còn nhiều những thầy, cô giáo khác nữa dù chưa đứng trên bục vinh danh nhưng họ đã và đang có những đóng góp thầm lặng, bền bỉ để nâng bước cho thế hệ tương lai.

Đó là cô giáo Trần Thị Huệ, giáo viên môn Lịch sử (Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1, quận Sơn Trà) với phương pháp “dạy học bằng cả yêu thương”. Với cô, trong mỗi học trò luôn có những khả năng riêng cần được khám phá, bồi đắp. Và cô đã tìm ra những mảnh lấp lánh ấy tận sâu trong lớp vỏ ngoài xù xì của những đứa trẻ bằng trái tim ấm nóng yêu thương của chính mình.

Cô cho rằng, không thể nào dùng mệnh lệnh, xử phạt để dạy các em nên người nên cô chọn giải pháp của trái tim. Và tiếng “mẹ” cất lên âu yếm, ngọt ngào từ miệng những cô, cậu học trò được xem là nghịch ngợm, khó bảo nhất dành cho cô là phần thưởng đáng quý mà cô nhận được sau những nỗ lực không mệt mỏi ấy. Đó còn là cô giáo Võ Thị Hạ Quyên, giáo viên Vật lý, tổ trưởng tổ bộ môn Toán, Lý, Tin, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Cẩm Lệ) với hạnh phúc giản đơn chỉ là mỗi ngày được đứng trên bục giảng để truyền niềm đam mê môn Vật lý cho các em; gieo vào lòng các em những bài giảng, những bài học làm người.

Không chỉ có cô Huệ, cô Quyên mà còn rất nhiều thầy, cô giáo khác nữa vẫn đang lặng lẽ hằng ngày, hằng giờ miệt mài bên phấn trắng bảng đen dìu dắt các thế hệ học trò. Dù đó là những thầy, cô giáo trong hệ thống giáo dục, hay là những cán bộ, nhân viên của những cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật…, cũng được tôn trọng với tiếng gọi thân thương, trìu mến là “thầy”, “cô” trên tinh thần “nhất tự vi sư”.

Đó là thầy Nguyễn Xuân Việt (giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai) với hơn 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, “thầy” Trương Tấn Dũng (nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố) gắn bó cả cuộc đời với trẻ da cam, hay là những “cô giáo” tình nguyện thuộc dự án dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em mồ côi tại Làng trẻ SOS Đà Nẵng... 

Giờ dạy của thầy Việt luôn bắt đầu bằng những dỗ dành, yêu thương. Trò của thầy là những đứa trẻ bại não, tự kỷ, khiếm thính, khiếm thị... Trò của thầy có lúc lên cơn giữa giờ học, thậm chí đánh bạn trong vô thức hay chạy vòng quanh lớp. Bằng tấm lòng yêu thương bao la của một người cha và cả sự dịu dàng của mẹ, thầy đã giúp những đứa trẻ phát âm tròn tiếng, giảm đi những cơn kích động bất chợt. Nhiều em bây giờ đã có thể đánh vần, có thể học hòa nhập. Thầy bảo, đó là niềm mong muốn, là động lực để thầy có thể tiếp tục trên hành trình gian nan của mình, góp phần xoa dịu những nỗi đau của số phận mà các em phải gánh chịu…

Trong xã hội hiện đại với nhiều kênh thông tin cung cấp lượng kiến thức lớn, vai trò của người thầy lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Khi đó, người thầy không chỉ làm nhiệm vụ cung cấp kiến thức cho trò mà còn giúp các em lựa chọn kiến thức. Khi đó, người thầy phải là người truyền cảm hứng, đánh thức được tiềm năng trong mỗi em, kích thích các em tự tìm tòi, sáng tạo. Thầy cô còn phải như người cha, người mẹ thứ hai, luôn theo sát, định hướng giúp các em biết lựa chọn đúng sai, vững bước trên đường đời.

Tốc độ lan truyền chóng mặt và sự ảnh hưởng to lớn của thời đại bùng nổ thông tin cũng tạo ra một sức ép vô hình với những người đứng trên bục giảng. Quy luật tất yếu là quan hệ thầy - trò sẽ thay đổi khi xã hội và nền giáo dục chúng ta đang thay đổi từng ngày. Dẫu vậy, trong bất cứ thời đại nào, người thầy luôn là biểu tượng của chuẩn mực đạo đức, được xã hội kính trọng, tin yêu. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là nền tảng của mọi giá trị đạo đức từ xưa cho đến ngàn đời sau. Bên cạnh sự tận tân, yêu nghề, người thầy phải luôn tự học hỏi, trau dồi cho mình những hành trang kiến thức quý báu để truyền đạt cho học trò. Dẫu biết cuộc sống vẫn còn bộn bề những khó khăn thường nhật, dẫu biết con đường dạy học - dạy làm người không khi nào hết nhọc nhằn, chông gai..., nhưng các thầy, cô giáo vẫn luôn nỗ lực để thắp lửa đam mê trong mỗi em, dạy các em “làm người”.

P.T

;
.
.
.
.
.
.