Giáo dục về Hoàng Sa để nuôi dưỡng lòng yêu nước

.

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” vừa được UBND huyện Hoàng Sa tổ chức đúng vào dịp 45 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Một trong 3 chủ đề đáng chú ý của cuộc hội thảo này là truyền thông, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa. Các tham luận khoa học ở chủ đề này đều đánh giá rất cao tầm quan trọng của truyền thông, giáo dục về Hoàng Sa để nuôi dưỡng lòng yêu nước của học sinh, sinh viên (HSSV).

Tham luận khoa học của TS Nguyễn Duy Phương và ThS Đặng Thị Thùy Dương (Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) đưa ra dẫn chứng trong sách giáo khoa lịch sử ở bậc THPT hiện hành chỉ mới đề cập chủ quyền Việt Nam đối với phần đất liền mà thiếu hẳn đề cập nội dung quá trình khai phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tham luận nhận xét các hoạt động ngoại khóa như tổ chức cho HSSV tham quan trụ sở UBND huyện Hoàng Sa, nghe nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện; xuất bản kỷ yếu Hoàng Sa, triển lãm các tư liệu, hiện vật là bằng chứng lịch sử quan trọng về chủ quyền của đất nước đối với Hoàng Sa chưa có sức lan tỏa hiệu quả trong hoạt động giáo dục.

Do đó, việc đưa những vấn đề liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.

Các tham luận khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp truyền thông, giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ là việc biên soạn một hệ thống kiến thức bài bản cho học sinh THCS, THPT, sinh viên đại học, mà còn truyền thông, giáo dục đa dạng đến nhiều đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài qua góc độ bảo tàng học, trong lĩnh vực học thuật, báo chí, truyền thông đối ngoại…

Trong đó, việc giảng dạy kiến thức có liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trong nhà trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi việc này vừa trang bị kiến thức, vừa giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo, vừa bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền dẫn và duy trì ý chí quyết tâm bền bỉ, niềm tin sắt đá của các thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi bằng biện pháp hòa bình để giành lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa đang bị chiếm đóng.

Truyền thông, giáo dục phải đạt mục tiêu để các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã sẵn sàng và mong muốn được học những bài học về chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa, khát khao hiểu biết về những vùng biển, đảo của Tổ quốc mình.

Điều đáng mừng là trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử ban hành ngày 19-1-2018 chuẩn bị cho quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, chuyên đề “Biển Đông: Lịch sử và hiện tại” đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo xây dựng và đưa vào nội dung sách giáo dục Lịch sử mới. Nội dung này nhằm giúp cho học sinh hiểu rõ 3 vấn đề:

Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam; chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chủ trương của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Đối với Đà Nẵng, nơi mà huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc, công tác truyền thông, giáo dục về Hoàng Sa đối với HSSV, người dân, du khách trong và ngoài nước phải được quan tâm hàng đầu và đi đầu thực hiện trong cả nước.

Truyền thông, giáo dục về Hoàng Sa không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mà còn của cả mỗi người dân Đà Nẵng. Công tác truyền thông, giáo dục về Hoàng Sa phải đạt được mục tiêu ngày càng có nhiều người dân, nhất là thế hệ trẻ, có thể trả lời đầy đủ, xác đáng, thuyết phục trước câu hỏi của bất cứ người nước ngoài nào: “Cơ sở nào để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Cùng với truyền thông, giáo dục Hoàng Sa, Trường Sa trong nhà trường, công tác này ở các lĩnh vực truyền thông đối ngoại, báo chí, học thuật, bảo tàng học… cần được quan tâm một cách thỏa đáng. Qua đó, không chỉ đào tạo ra những thế hệ người Việt có kiến thức vững chắc về chủ quyền biển, đảo, trong đó có chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa mà còn góp phần khẳng định chân lý và tính chính danh của việc khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Truyền thông, giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta đấu tranh giành lại Hoàng Sa. Đây là một việc luôn luôn mang tính cấp bách cho dù chúng ta có phải kiên trì qua các thế hệ người Việt, như Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đã nêu trong tham luận của ông: “Cần thấy đây là một cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn và khẩn trương, đòi hỏi thế hệ trước phải nỗ lực hết mình để có thể trao “tín gậy” cho thế hệ kế tiếp ở cự ly gần nhất so với mục tiêu”.

HOÀNG ANH

;
;
.
.
.
.
.