Tăng "sức đề kháng" cho nền kinh tế

.

Đến thời điểm này, khi Covid-19 lây lan và gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nền kinh tế phát triển mạnh là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…, cho thấy rất rõ những hạn chế trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Trong đó, nổi bật nhất chính là vấn đề “phụ thuộc” quá lớn vào một vài thị trường nhất định của ngành sản xuất… Ngoài ra, còn có những nút thắt cần tháo gỡ về nguồn vốn, chính sách thuế cho doanh nghiệp hay những cơ chế chính sách được ban hành, nhưng chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được tinh thần hành động của cả hệ thống chính trị…

Với một nền kinh tế mở, trước những sự cố mang tính toàn cầu như Covid-19, việc thành phố Đà Nẵng chịu ảnh hưởng là điều đã được nhận diện rõ nét ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, tính đến thời điểm này, Covid-19 đã gây tổn thất hàng ngàn tỷ đồng đối với ngành công nghiệp không khói” này.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thống kê của Sở Công thương trong tháng 2-2020 ghi nhận sự sụt giảm tăng trưởng ở nhiều ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố như: sản xuất ô-tô nguyên chiếc giảm 46,8%; may mặc giảm 37%; chế biến gỗ giảm 31,5%; điện tử giảm 18,9%; thiết bị điện giảm 10,7%; xi-măng giảm 5,7%; giày da giảm 3,6%; săm lốp cao su giảm 2,2%…

Doanh thu bán lẻ hàng hóa sau năm 2019 và tháng 1-2020 có mức tăng trưởng ấn tượng, lần đầu tiên sụt giảm trong tháng 2 khi ước đạt 4.723,2 tỷ đồng, giảm 13,8% so với tháng 1 và thấp hơn mức tăng 18,37% của tháng 2-2019; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức giảm 4,6% so với cùng kỳ 2019.

Có thể nói, Covid-19 là sự cố bất ngờ, nhưng qua đó đã chỉ rõ điểm yếu của nền kinh tế khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường sẽ rủi ro như thế nào. Điều này vốn được chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp thành phố đề cập từ lâu.

Cùng với đó, nhiều giải pháp được đưa ra, song việc triển khai các giải pháp vẫn còn chậm và vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Ở khía cạnh khác, Covid-19 được xem như một “phép thử” để Chính phủ và các địa phương nhanh chóng vào cuộc nhằm tháo gỡ những rào cản cố hữu, tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế.

Bởi nếu không sớm có những giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc các vấn đề thì nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có thành phố Đà Nẵng, rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc mang tính toàn cầu như thế.

Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, không phải bây giờ mà trong gần một thập kỷ qua, họ đã nhận diện được rõ nét những nguy cơ trong việc phụ thuộc vào một thị trường duy nhất để chủ động đa dạng hóa thị trường.

Nhất là tận dụng ưu thế khi nước ta ký kết và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch này vẫn chưa thực sự mạnh mẽ để có thể làm thay đổi được cục diện khi phần lớn doanh nghiệp của nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với tiềm lực tài chính, thị trường còn hạn hẹp.

Đà Nẵng bước vào năm 2020 với nhiều nhiệm vụ, kế hoạch quan trọng phải hoàn thành; trong bối cảnh đó, Covid-19 là sự cố nằm ngoài dự đoán đã gia tăng thêm sức ép và thách thức cho thành phố trong việc bảo đảm mục tiêu đạt mức tăng trưởng trong năm 2020.

Trước những khó khăn đã được nhìn nhận, tại buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch thành phố vào tháng 2-2020, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo cần biến nguy thành cơ, xem sự cố Covid -19 là bài học kinh nghiệm nhằm tạo động lực để thành phố tiếp tục tái cơ cấu kinh tế.

Thành phố chủ động và linh hoạt trong triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; các doanh nghiệp chủ động trong việc nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm những thị trường mới nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường để có thể nhanh chóng phục hồi ngay sau khi Covid-19 đi qua.

Bên cạnh đó, trong khi việc triển khai các giải pháp dài hơi cần có lộ trình và thời gian, thì trước mắt, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, cùng với phòng, chống dịch, phải đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, dịch vụ…; đồng thời, cần các giải pháp để chống virus của “sự trì trệ”.

Một sự tương đồng với “hiện tượng” vốn được lãnh đạo thành phố nhắc đến nhiều lần trong 2 năm 2018 và 2019 đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở nhiều sở, ngành, địa phương không dám làm, dám quyết và không dám tham mưu.

Đà Nẵng bước vào năm 2020 với nhiều sự kiện quan trọng, đó là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; năm bản lề tạo tiền đề để thành phố bước vào giai đoạn “phát triển bứt phá” nhằm đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đề ra…

Theo đó, bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho thành phố trước sự lây lan của dịch bệnh là tích cực tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn để tiếp tục thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại chính là hành động cần thiết trong bối cảnh hiện nay.     

KHÁNH HÀ

;
;
.
.
.
.
.