Vững vàng bởi được sẻ chia

.

Cũng như nhiều địa phương khác, những ngày qua, Đà Nẵng đang căng mình chống dịch. Từng phút, từng giờ trôi qua, các cơ quan chức năng lại phải gồng mình tiếp nhận, xử lý liên tục những diễn biến mới liên quan đến dịch bệnh. Nhọc nhằn xen lẫn sự lo lắng là điều tất yếu, song có lẽ đây cũng là lúc những người đứng tuyến đầu phòng, chống Covid-19 cảm nhận rõ nhất những ngọn lửa sẻ chia từ cộng đồng.

Một thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố nhận được dòng tin nhắn từ người lạ với nội dung: “Chị ơi, em là nhân viên y tế làm việc ở một khu vui chơi trên địa bàn. Bên em đang nghỉ phòng bệnh, nên em cũng rảnh. Với lại thời điểm này em thấy mấy cô chú cùng ngành đã về hưu mà vẫn tình nguyện đi giúp thành phố phòng, chống bệnh, nên em muốn nhờ chị xem có đơn vị nào cần hỗ trợ về y tế chị giới thiệu cho em tình nguyện đi làm với ạ. Em là y sĩ đa khoa có giấy chứng chỉ hành nghề”.

Những ngày qua, danh sách tình nguyện viên tham gia các hoạt động phòng, chống dịch ngày càng nhiều thêm. Đó là những hướng dẫn viên tham gia hỗ trợ du khách trong thời gian cách ly, các nhân viên y tế tư nhân, các bạn sinh viên y khoa, các cán bộ y tế về hưu… Để thấy rằng, nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 không của riêng ai!

Nếu như 10 ngày trước, khi 2 ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng được công bố, sự hoang mang, lo lắng là tâm lý chung, thì ngày 18-3 vừa qua, người Đà Nẵng tiếp nhận thông tin công bố trường hợp thứ 4 tại thành phố với tâm thế hoàn toàn khác. Bởi, lực lượng chức năng đã chủ động thực hiện các quy định về kiểm soát, cách ly, để khi ca bệnh được phát hiện và công bố thì mức độ lây nhiễm đối với cộng đồng đã ở mức thấp nhất.

Một lãnh đạo ngành y tế chia sẻ rằng: “Chúng tôi linh hoạt triển khai các quy định để mang lại kết quả tốt nhất cho cộng đồng, bởi tinh thần chống dịch như chống giặc như Thủ tướng chỉ đạo là phải linh hoạt, quyết liệt tùy tình hình thực tế để có giải pháp tối ưu nhất”.

Lướt qua một vòng trên mạng xã hội những ngày này không còn nhiều những dòng tin về sự lo lắng, hoảng loạn mà thay vào đó là những hình ảnh sẻ chia, các hoạt động chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đó là hình ảnh lực lượng dân phòng tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đang giám sát việc cách ly tại nhà, bất ngờ và xúc động nhận những chai nước mát lạnh, hộp cơm trưa từ người dân mang đến tiếp sức.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh em phải ăn, ngủ tại chỗ trên những chiếc ghế xếp được trang bị thô sơ. Đó cũng là dòng tin của chủ một nhà hàng, tự tay nấu 1.000 suất ăn để phục vụ các nhân viên y tế nơi tuyến đầu đang chống dịch. Rồi một chủ khách sạn đã không ngần ngại khi tự nguyện cho thành phố mượn toàn bộ khách sạn với quy mô 127 phòng để thực hiện việc cách ly và cảm thấy “rất sẵn lòng, lấy làm vinh dự nếu được chung tay với thành phố Đà Nẵng trong việc phòng, chống dịch bệnh”.

Nếu như trước đây, Đà Nẵng đau đầu tìm nơi cách ly cho những công dân trở về vùng có dịch thì nay danh sách các cơ sở lưu trú tình nguyện đăng ký cứ ngày càng nhiều thêm. Ngày 18-3, khi tiếp nhận những tấm lòng từ Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng thông qua chương trình “Đội ngũ y tế khỏe - Chúng ta khỏe”, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã không giấu sự xúc động: “Tự đáy lòng mình, chúng tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc vì những tình cảm quý giá này. Đó chính là liều thuốc để nhân viên y tế nơi tuyến đầu tiếp tục thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác phòng, chống dịch!".

Những ngày sắp tới, Covid-19 hẳn sẽ còn diễn biến rất phức tạp, đồng nghĩa với việc, các ngành, đơn vị,  đặc biệt là nhân viên y tế thành phố sẽ còn rất vất vả để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, cái “được” lớn nhất của công tác phòng, chống Covid-19 đến thời điểm hiện tại, đó chính là sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Điều này hứa hẹn sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp nhất, dù công cuộc phòng, chống Covid-19 có vất vả thế nào, dai dẳng đến bao nhiêu!

Phan Chung

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.