Để kích cầu du lịch 'đúng' và 'trúng'

.

Thời điểm này, Việt Nam đang từng bước đẩy lùi Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục. Trong đó, du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề bởi Covid-19. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng đang nỗ lực triển khai các giải pháp kích cầu, xúc tiến để thu hút khách du lịch, phục hồi lại ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Thực tế, gần 4 tháng qua, các hoạt động về du lịch của Đà Nẵng gần như bị “tê liệt” khi nhiều khách sạn tạm thời đóng cửa, hàng ngàn xe chuyên dùng để chở khách du lịch nằm yên trong bãi. Thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại của ngành du lịch thành phố lũy kế đến quý 2-2020 khoảng 5.672 tỷ đồng; số lao động thất nghiệp đang tạm nghỉ tại các doanh nghiệp ước khoảng 35.860 người... Ngay trong thời điểm khó khăn đó, lao động không có việc làm, một số cơ sở lưu trú, đơn vị dịch vụ tranh thủ dịp không có khách đã kiện toàn nhân sự, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, sẵn sàng phục vụ du khách.

Hiệp hội Du lịch thành phố cũng đã ngồi lại cùng với các hội, doanh nghiệp chuẩn bị các chương trình kích cầu, sẵn sàng kích hoạt lại các hoạt động để thu hút khách sau khi dịch bệnh được khống chế. Đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương, nhiều chương trình kích cầu được thành phố đưa ra để thu hút khách dưới nhiều hình thức khuyến mại như: giảm giá sốc, dịch vụ chuẩn, chất lượng cao; giảm giá, nhưng không giảm chất lượng hoặc gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ đi kèm…; một số khu, điểm tham quan, danh thắng đã miễn phí vé vào cổng tham quan cho du khách.

Theo đánh giá của những người làm du lịch, việc giảm giá vé vào cổng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút khách tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng với doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn nhất. Mới đây, Sở Du lịch chính thức ra mắt Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố với nguồn kinh phí ban đầu 3,85 tỷ đồng. Số tiền này do các đơn vị, cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch lớn trên địa bàn thành phố đóng góp.

Đây cũng là một đơn vị quỹ độc lập được xây dựng để xúc tiến, phát triển du lịch đầu tiên trong cả nước. Quỹ này được kỳ vọng sẽ dùng để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đem lại nguồn khách mới cho điểm đến Đà Nẵng trong thời điểm khó khăn hậu Covid-19. Các chuyên gia du lịch cho rằng, hiện là thời điểm “vàng” để kích cầu du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa bởi đây được coi là nguồn khách giúp cho du lịch nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, làm kích cầu nhưng phải làm như thế nào cho “đúng” và “trúng”. Tức là tung ra các gói sản phẩm “đúng thời điểm” và “trúng đối tượng” mà các gói sản phẩm đã xây dựng hướng đến là việc mà các ngành, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ.

Có thể thấy, ngay sau khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động phong trào “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vào ngày 16-5, thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng hưởng ứng bằng cách ra mắt, giới thiệu các gói kích cầu để thu hút khách du lịch. Chính quyền địa phương cũng đã liên kết, hợp tác với các kênh truyền thông để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm kích cầu…

Thế nhưng, thời điểm này, các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… cũng tung ra hàng loạt các gói sản phẩm, các chương trình ưu đãi tương tự Đà Nẵng để thu hút khách về địa phương của họ. Tuy Đà Nẵng tung ra nhiều ưu đãi, nhưng sự cạnh tranh của các gói kích cầu giữa các địa phương là rất lớn. Vậy làm sao để du khách lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến trong chuyến đi của mình là bài toán không hề dễ dàng vì bên cạnh các gói giảm giá sâu, nhiều tiện ích ưu đãi, những người làm du lịch của Đà Nẵng cần phải nhanh chóng có các sản phẩm du lịch mới, tăng tính hấp dẫn, tăng tiện ích cho khách theo hướng phải tạo được sự khác biệt, độc đáo, hấp dẫn...

Chưa kể, khi giá tour giảm sâu, nhiều du khách lại lo ngại về chất lượng dịch vụ sẽ không được như mong muốn nên còn e ngại khiến hiệu quả của các chương trình kích cầu chưa cao. Nếu chỉ giảm giá tour, khuyến mại sốc… để kích cầu thôi là chưa đủ, vì giá cả tuy là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là nhân tố quyết định đối với phát triển du lịch, nhất là về lâu dài khi dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn.

Do đó, ngành du lịch thành phố cần phải tính đến các giải pháp trung và dài hạn, tức là xây dựng các chiến lược giá cả hợp lý, liên kết hợp tác giữa các địa phương một cách bền vững, lâu dài, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thói quen tiêu dùng của du khách nội địa.

Cụ thể là thông qua hình thức khuyến khích người dân đi du lịch nội địa, để du khách được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt, môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, giá cả hợp lý… Khi đã kích cầu “đúng” và “trúng” nhu cầu muốn đi du lịch thì du khách sẽ chủ động lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến phù hợp, an toàn cho chuyến đi của mình, góp phần khởi sắc và mang lại doanh thu cho ngành du lịch thành phố từ nay đến cuối năm.  

SONG KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.