Bài học truyền thông phòng, chống Covid-19

.

Câu chuyện Việt Nam thành công một cách “ngoạn mục” trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 đến nay không chỉ ở trong nước mà cộng đồng quốc tế đã lên tiếng thừa nhận, cho dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Một trong những bài học dẫn đến những kết quả tuyệt vời đó chính là công tác truyền thông.

Trong đó nổi lên mấy yếu tố sau: Một là, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Việc Việt Nam nắm bắt thông tin kịp thời, đánh giá mức độ nguy hiểm của Covid-19 và đề ra các quyết sách sát đúng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện nước ta đã tạo dựng nên một nền tảng vững chắc cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch có hiệu quả. Nhưng để làm được điều đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là phải huy động cho được toàn xã hội cùng tham gia trên hai phương diện là nhận thức và hành động, nên con đường duy nhất là thông qua công tác truyền thông.

Đúng như thực tế đã chứng minh, công tác truyền thông của chúng ta đã làm tốt vai trò của mình ngay từ ngày đầu chống dịch cho đến nay. Công tác truyền thông đã mang đến cho mọi người dân từ các đô thị, nông thôn, vùng núi và hải đảo, kể cả người nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam những thông tin chính xác, cụ thể về đại dịch Covid-19  như:  tính nguy hiểm, sự lây lan trong cộng đồng, cách phòng ngừa, hay các quyết định của chính quyền liên quan đến dịch bệnh… Mức độ thông tin liên tục, mạnh mẽ đã giúp cho mọi người có được sự nhận thức sâu sắc và tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa. Hai là, bám sát thực tiễn thông tin kịp thời, sinh động. Các phương tiện truyền thông của nước ta cũng đã bám sát thực tiễn, nhất là những lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, ngành y tế…trong phòng, chống Covid-19 ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Hàng vạn tin, bài, hình ảnh… nhất là các phóng sự, điều tra về lực lượng công an, quân đội, biên phòng rời doanh trại nhường lại cho người cách ly để lên biên giới, hay bám sát địa bàn nhằm chốt chặn phòng, chống dịch. Hình ảnh anh bộ đội băng rừng lội suối, ngủ giữa rừng sâu suốt ngày đêm hay cần mẫn lo cái ăn, chỗ ngủ cho hàng vạn người cách ly… đã tạo nên sự xúc động sâu sắc trong cộng đồng.

Rồi hình ảnh đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng… phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt do nguy cơ lây nhiễm cao để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Hay các lực lượng tuyến đầu khác như tổ bay và đội ngũ tiếp viên hàng không phải thi hành nhiệm vụ đặc biệt để vận chuyển hàng vạn hành khách từ các nước có dịch về Việt Nam mà không nề hà khó khăn hay lãng tránh.

Tất cả đã được các phương tiện truyền thông nước ta phản ánh một cách thường xuyên, kịp thời và sinh động đã giúp cho người nghe, người xem biết được tinh thần xả thân trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 để trước hết, trên hết là vì sự an toàn tính mạng của người dân Việt nam cũng như các du khách nước ngoài. Ba là, đa dạng các hình thức truyền thông.

Đây cũng được xem là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả truyền thông. Trong những năm trước đây, từ bài học kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai, Việt Nam đã sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông như: phổ biến văn bản của Nhà nước trong nội bộ các cơ quan, đoàn thể, khu dân cư; thông qua báo chí, mạng xã hội, kể cả thông qua tin nhắn điện thoại cho hàng chục triệu thuê bao nắm được các thông tin.

Cách làm này đã được chúng ta khai thác triệt để trong phòng, chống Covid-19. Gần như hằng ngày, thậm chí hằng giờ ngoài những thông tin trên báo chí, người dân cũng nhận được các thông tin về dịch bệnh qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Đáng chú ý hơn nữa là các cơ quan chuyên môn như y tế đã hình thành ngay các trang mạng chuyên đề về dịch bệnh để cung cấp thông tin chính thống diễn biến hằng ngày cho người dân nắm được. Đặc biệt là cách phòng ngừa ra sao cho có hiệu quả.

Ngoài ra phải kể đến là các văn nghệ sĩ đã có các tác phẩm nghệ thuật phản ánh kịp thời việc phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức khác nhau từ các ca khúc cổ vũ cho việc rửa tay đến lời ca tiếng hát…động viên tinh thần của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tất cả đã tạo ra một bức tranh sinh động, nhịp nhàng làm khơi dậy một tinh thần Việt Nam đoàn kết, đồng lòng phòng, chống Covid-19 quyết liệt, mạnh mẽ nhưng không hoang mang, lo sợ. Bốn là, đấu tranh quyết liệt với thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh. Vì phòng, chống Covid-19 được xem là một cuộc chiến, rất quyết liệt và có không ít nguy cơ tiềm ẩn gây bất an cho cộng đồng cũng như những nỗ lực của chính quyền.

Điều đó thật có ý nghĩa khi ở thời điểm đó, có không ít người cố tình thông tin xuyên tạc nhằm gây hoang mang trong xã hội hoặc nhằm gây phức tạp tình hình, chống lại các nỗ lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thậm chí có số người nhẹ dạ cả tin, hoặc xem đó như là một trò chơi để câu view…nên phổ biến những thông tin sai sự thật trên các trang mạng và ngoài xã hội.

Cùng với các lực lượng như công an, quân đội, báo chí đã kịp thời đưa những thông tin chính thống về dịch bệnh Covid-19 để chống lại những tin sai sự thật. Ngoài ra cũng kịp vạch trần các thủ đoạn và những kẻ cố tình tán phát những thông tin sai sự thật về dịch bệnh để mọi người biết và cảnh giác. Chính điều đó đã góp phần làm ổn định xã hội, giúp cho mọi người hiểu rõ thực hư và có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, không bị mắc bẫy những thông tin sai trái. Có thể nói, sau gần 6 tháng qua, công tác truyền thông của nước ta đã góp phần đắc lực vào thành công bước đầu của cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả của công tác truyền thông đó là sự kịp thời, chính xác, minh bạch, hiệu quả và mang tính nhân văn cao cả. Nó đã tạo dựng lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước và thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của toàn xã hội trong cuộc chiến vì an toàn tính mạng của người dân, vì “nghĩa đồng bào”.

Từ bài học quý giá về truyền thông phòng, chống đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội, là nguồn động viên để báo chí nói riêng, cả hệ thống truyền thông của nước ta nói chung tiếp tục đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.

Tuyết Minh

;
;
.
.
.
.
.