30 giờ trong 'trạng thái mới'

.

Khi bạn đọc cầm trên tay tờ báo này thì Quy định số 6055/UBND-SYT ngày 10-9 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc toàn thành phố tiếp tục chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 đã đi qua được 30 giờ. Thời khắc 0 giờ ngày 11-9-2020 với người Đà Nẵng quan trọng đến mức có người ví như là GIAO THỪA, với hàm ý từ thời điểm đó Đà Nẵng sẽ mở ra trạng thái mới mẻ, tinh khôi, là điều ao ước của bao người.  

Sở dĩ vậy bởi ai cũng còn nhớ thời khắc trước đó: 0 giờ ngày 28-7, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Đà Nẵng: gia đình cách ly với gia đình, cách ly tổ dân phố, phường, xã, quận, huyện; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách; phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ…. Thật khó nói hết những khó khăn dồn dập xảy ra trong thời điểm ấy và sự kiện không ai mong muốn này đã hiện diện với tần suất dày đặc trên những khuôn hình, trang báo.

Sau gần một tháng rưỡi, các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. Từ sáng 11-9, người Đà Nẵng không ai giấu được niềm vui khi cuộc sống gần như được trở về với bình thường. Quán xá, công sở, đường phố trở nên nhộn nhịp, cuộc sống từng bước phục hồi…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn phòng, chống Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh thật có lý khi nói rằng: “Nếu đứng từ xa, chúng ta khó nhìn thấy những gì người Đà Nẵng đang làm. Họ tìm hiểu nguồn lây, chấp nhận giãn cách xã hội, cách ly tập trung, phát thẻ đi chợ... Do đó, không có chuyện số ca nhiễm giảm tự nhiên hoặc dịch bệnh đi xuống. Đó là sự hy sinh, công sức của nhiều người cho sự nghiệp chung”.

Chúng ta không thể nào quên những ngày tháng mà lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, các sở, ban, ngành căng sức chống dịch, đó là lúc mà thầy thuốc Đà Nẵng kiên cường bám trụ, thầy thuốc từ các tỉnh, thành đi ngược về tâm dịch để chung sức với quyết tâm “chưa hết dịch - chưa về”, rồi hoạt động của lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác xông pha ở tuyến đầu, những người thiện nguyện lăn xả vào nơi hiểm nguy tiếp sức lực lượng phòng, chống dịch, tiếp tế cho bà con khó khăn khu vực bị phong tỏa…

Trong thời điểm gian nan ấy, ý thức cộng đồng đã được thể hiện cao nhất để chúng ta giúp nhau vượt qua đại dịch. Người dân tự giác tuân thủ các quy định giãn cách dù gặp muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt, đời sống. Và ý thức cộng đồng còn thể hiện ở chỗ: khi dịch bệnh hoành hành, một số trường hợp tung tin thất thiệt, dựng chuyện sai trái chỉ là tiếng nói lạc lõng, nhanh chóng được cộng đồng lên án và cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Giờ đây, trong niềm vui được nới lỏng giãn cách, song chúng ta cũng không được phép chủ quan. Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố mới đây, vấn đề được đặt ra là chúng ta không loại trừ trong thời gian tới sẽ còn rơi rớt trường hợp dương tính với Covid-19. Theo đó, vấn đề khu trú, xử lý trường hợp ấy như thế nào được Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố mổ xẻ, bàn thảo và đã có phương án cụ thể để giải quyết hiệu quả.

Về phía người dân, việc “sống chung với dịch” cần đặt ra một cách rõ ràng. Xưa chống giặc ngoại xâm, trẻ em “đội mũ rơm đi học đường dài”, mẹ già “ngón tay bật máu mảnh bom” vẫn xông pha “cấy đêm” để khôi phục sản xuất, thì bây giờ chống giặc Covid-19, chúng ta áp dụng “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế ) để thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, không để nhịp sống đứt gãy. Về lâu dài, có thể xem việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn là sinh hoạt bình thường, có ích cho bản thân và cộng đồng như đội mũ bảo hiểm để phòng ngừa tai nạn giao thông vậy.

 Nhìn ra thế giới, tình hình đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 28 triệu ca dương tính và hơn 914.000 người tử vong. Các điểm nóng như Ấn Độ, Brazil tiếp tục chứng kiến số ca mắc trong ngày cao kỷ lục, trong khi số ca ở một số nước châu Âu tăng nhanh. Với kết quả phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam, đến thời điểm này, bằng sự đánh giá đúng mức và khiêm nhường, chúng ta có thể tự tin về cách quyết liệt phòng, chống dịch cùng những phương thức phù hợp để “sống chung với dịch”.

Từ trong cơn hoạn nạn này, một lần nữa, chúng ta nhận diện rõ nét hơn về lòng yêu nước thương nòi, về sự đồng thuận của lòng dân mỗi khi đất nước đối mặt với thử thách. Điều đó cho chúng ta niềm tin lớn lao về bản lĩnh của người Việt Nam và người dân Đà Nẵng luôn nỗ lực, luôn tìm cách vượt qua khó khăn gian khổ để xây dựng đất nước, xây dựng thành phố vững mạnh và phát triển, để mỗi người dân được sống trong bình an, được thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc!

NGUYỄN ĐỨC NAM

 

;
;
.
.
.
.
.