Về một công trình văn hóa vừa được khởi công

.

1. Sáng hôm qua, Đà Nẵng long trọng tổ chức khởi công công trình ngoại giao văn hóa là Vườn tượng APEC mở rộng - một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Nói “mở rộng” bởi so với Vườn tượng APEC khi mới khánh thành hồi cuối năm 2017, hiện nay diện tích công trình này đã tăng lên đến 8.668m2.

Nằm trên một vị trí “đất vàng” đắc địa, việc tăng quỹ đất để mở rộng Vườn tượng APEC không hề đơn giản, bởi để có thêm 6.000m2 ngay tại chỗ, chính quyền thành phố phải được sự đồng thuận rất cao của người dân nói chung và của doanh nghiệp cũng như công dân có liên quan nói riêng, nhằm thu hồi thửa đất liền kề vườn tượng này.

Đây không đơn thuần là việc đàm phán để thống nhất nguyên tắc giải tỏa thửa đất liền kề ấy rồi đền bù bằng thửa đất khác có quy mô và giá trị tương đương cho chủ sở hữu, mà còn và chủ yếu là để đạt sự nhất trí giữa hai bên về ý nghĩa phục vụ cộng đồng của chủ trương hoàn thiện một không gian công cộng đầy thẩm mỹ giữa trung tâm thành phố, một công trình ngoại giao văn hóa đầy ý nghĩa từng góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng và của đất nước nhân sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

2. Có thể nói Vườn tượng APEC là bằng chứng trực quan giúp người dân thành phố bên sông Hàn cùng du khách thập phương, nhất là những du khách đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, luôn nhớ rằng Đà Nẵng từng đăng cai thành công một sự kiện ngoại giao quốc tế quan trọng không chỉ của nước ta mà còn của thế giới là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là cách gợi nhớ bằng văn hóa và rất văn hóa của người Đà Nẵng đối với sự kiện đáng nhớ này.

Tuy nhiên, điểm bất cập duy nhất và dễ nhận thấy nhất là diện tích Vườn tượng APEC lâu nay quá hẹp, không đủ không gian cần thiết để trưng bày cho ra trưng bày cùng lúc 21 tượng nghệ thuật. Chính vì thế, cần ghi nhận lễ khởi công Vườn tượng APEC mở rộng trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố như một thành công của chính quyền thành phố trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư liên quan để có điều kiện mở rộng vườn tượng về phía nam, tạo thêm một điểm nhấn về không gian công cộng và về thiết chế văn hóa cho Đà Nẵng luôn vươn tới và khát vọng. Không phải ngẫu nhiên mà Thành ủy Đà Nẵng đã biên soạn và phát hành cuốn sách có nhan đề “Đà Nẵng - thành tựu và khát vọng” để làm quà tặng cho đại biểu tham dự Đại hội XXII.   

3. Có được quỹ đất cần thiết để mở rộng diện tích vườn tượng là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ nhằm tiến hành khởi công. Muốn khởi công Vườn tượng APEC mở rộng, người Đà Nẵng còn phải tiến hành một việc cũng có ý nghĩa không kém là quy hoạch và thiết kế kiến trúc vườn tượng 8.668m2 này như thế nào cho xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân và bạn bè quốc tế.

Bản chất của vườn tượng này là tính đa dạng về văn hóa và mỗi bức tượng được triển lãm ở đây thể hiện thông điệp riêng của từng quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở một thông điệp chung về hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Cũng chính vì thế, việc thiết kế kiến trúc Vườn tượng APEC mở rộng đòi hỏi giới kiến trúc trong và ngoài nước vừa hướng tới mục tiêu thể hiện cái đẹp hiện đại và nhân văn chung của cả loài người tiến bộ, lại vừa làm tỏa sáng đặc trưng văn hóa bản địa riêng có của Đà Nẵng/ Việt Nam. Về cơ bản, Đà Nẵng đã tổ chức thi chọn và đã chọn được phương án thiết kế kiến trúc phù hợp để cùng với quỹ đất được giải tỏa trở thành điều kiện đủ để phấn đấu hoàn thành công trình ngoại giao văn hóa này vào tháng 5 năm 2021.

4. Những năm qua, Đà Nẵng từng bước đã khắc phục được tình trạng mất cân đối giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa thông qua nhiều chủ trương bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội cầu ngư, như nghệ thuật tuồng, như nghệ thuật hô/ hát bài chòi… và di sản văn hóa vật thể như Hải Vân quan, như thành Điện Hải…

Càng ngày người Đà Nẵng càng nhận ra đầu tư cho văn hóa cũng chính là đầu tư cho phát triển. Chính vì thế, song song với việc tổ chức thi chọn phương án thiết kế kiến trúc Vườn tượng APEC mở rộng, chính quyền thành phố còn tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc nhằm trùng tu di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải và cải tạo nâng cấp di tích Tòa Đốc lý thời Pháp thuộc và một số tòa nhà lân cận thành Bảo tàng Đà Nẵng mới.

Giải pháp thiết kế kiến trúc cho công trình Bảo tàng Đà Nẵng mới cũng có những đòi hỏi kỹ thuật bảo tồn nghiêm ngặt, bởi Tòa Đốc lý thời Pháp thuộc năm 1945/Tòa Thị chính Đà Nẵng năm 1975 là nơi lá cờ cách mạng dân tộc dân chủ từng hai lần tung bay trong niềm vui được đổi đời của người Đà Nẵng, phải làm sao để có thể gìn giữ lâu dài như một chứng tích lịch sử trên đất quê hương.    

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.