Cùng chung tay cho quỹ vắc-xin

.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 26-5 đã chỉ đạo bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 là công nhân các khu công nghiệp. Đây là một quyết định hoàn toàn hợp lý trên cả hai phương diện chống dịch và phát triển kinh tế.

Nguyên nhân là vì công nhân thường tập trung đông trong các nhà máy, nguy cơ lây nhiễm và bùng dịch cao, trong khi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hoạt động sản xuất và sự liền mạch của chuỗi cung ứng. Hàng trăm doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của Covid-19. Hàng trăm nghìn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.

Ngoài những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là lực lượng tuyến đầu chống dịch; công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp phải được bảo vệ, cần được tiêm vắc-xin để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế.

Vắc-xin không phải là công cụ duy nhất để kiểm soát sự lây lan của Covid-19, song hiện nay vắc-xin ngừa Covid-19 được xem là giải pháp hiệu quả phòng dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng đến mục tiêu 80% dân số được tiêm phòng. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần huy động thêm các nguồn lực đóng góp mang tính thiện nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, số liều vắc-xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021.

Cũng trong ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính cho hoạt động tài trợ, nhập khẩu vắc xin và nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để tiêm phòng cho người dân.

Theo tính toán của Bộ Y tế, để mua 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, cần kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: kinh phí mua vắc-xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài số tiền hiện có, Chính phủ dự kiến cần thêm khoảng 9.000 tỷ đồng đóng góp của tổ chức, cá nhân để mua vắc-xin.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, ngày 27-5-2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động kêu gọi tất cả người dân, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Đã có hàng chục doanh nghiệp quyết định ủng hộ và cam kết ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin. Nhiều người dân bắt đầu chuyển tiền vào tài khoản của Quỹ ủng hộ mua vắc-xin.

Ngày 28-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã ra lời kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng toàn thể nhân dân trong, ngoài thành phố, bằng tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình, tích cực vận động, ủng hộ, giúp chính mình và người dân thành phố an toàn vượt qua Covid-19. Mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an sinh xã hội, an toàn sức khỏe nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ vắc-xin ngừa Covid-19 cho nhân dân thành phố. Những ngày vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ủng hộ tiền, hàng hóa để phòng, chống dịch.

Đây là lúc các doanh nghiệp, các doanh nhân, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân trong xã hội thể hiện tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội, cùng góp nguồn lực cho Quỹ vắc-xin vì một xã hội an toàn, khỏe mạnh. Đó cũng chính là cách doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bảo vệ sự nghiệp sản xuất, kinh doanh và người lao động, nhân viên của mình.

Chỉ cần mỗi người góp một ít để mua vắc-xin, số tiền sẽ đủ cho 150 triệu liều. Người góp nhiều chia sẻ với người không thể đóng góp, đỡ gánh nặng cho xã hội. Trong cuộc chiến chống virus nguy hiểm này, ai cũng tự thấy trách nhiệm của mình. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Chính phủ về đề cao sức khỏe cho nhân dân, có sự đồng lòng của mỗi người dân hướng đến một mục tiêu vì sức khỏe toàn dân, vì sự phát triển của đất nước.

Trong 3 đợt dịch vừa qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhờ huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19.

Từ việc mỗi cá nhân tuân thủ thực hiện theo các chỉ thị của Chính phủ, đến chuyện “nhường cơm, xẻ áo” cho nhau lúc khó khăn. Những con người, những chuyến hàng đã và đang đi về các tâm dịch Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Dương, và bây giờ là Bắc Giang, Bắc Ninh càng khẳng định tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau đó.

Cho đi là nhận về. Khi mỗi chúng ta cho đi một phần thu nhập kiếm được, sẽ nhận về lòng biết ơn của những người tử tế. Với Quỹ vắc-xin, hy vọng sẽ có thêm nhiều nguồn lực cùng chung tay phòng, chống dịch, với tinh thần “mỗi người vì mình, mình vì mọi người”.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.