Tỉnh táo trước thông tin sai sự thật

.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân loại cả về đời sống xã hội cũng như thiệt hại kinh tế. Cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều nằm trong vòng xoáy khốc liệt do dịch bệnh gây ra trong suốt gần hai năm qua. Nhưng một điều đáng quan tâm là trong khi các lực lượng tuyến đầu cả nước như y tế, công an, quân đội… cùng các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải căng mình chiến đấu với dịch bệnh, thì lại phải đối mặt thêm với tình trạng thông tin giả mạo, sai sự thật trong xã hội và trên các trang mạng…, tạo tâm lý bất an hoặc nghi ngờ vào “cuộc chiến” quyết liệt này. Các chuyên gia gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội thật sự là virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm cho xã hội, cho đất nước không kém gì virus SARS-CoV-2.

Gần đây, khi dịch bệnh bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, các thông tin sai sự thật, giả mạo tập trung chủ yếu vào một số nội dung như: chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin; về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...

Đáng chú ý là xuất hiện nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người đang cách ly, người dân ở trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh; tạo nên tâm lý hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội..., gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện nay Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Với nhiều tính năng được tích hợp, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Song, bên cạnh những thông tin tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền tự do ngôn luận, cung cấp những thông tin sai trái, thậm chí có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Điển hình, ngày 19-7-2021, Trung tâm bác bỏ và cảnh báo thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh” mà thực ra đó là hình ảnh chụp tại một bệnh viện của Myanmar.

Trước đó, ngày 15-7, mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu... Bộ Y tế ngay lập tức đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật này...

Ngoài ra, vài tháng gần đây, hàng loạt vụ tung tin giả liên quan đến Covid-19 đã bị cơ quan chức năng ở nhiều địa phương từ Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau xử lý.

Điển hình, ngày 14-7 Công an và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ xử phạt hai phụ nữ tung tin giả tiểu thương bán bún nhiễm Covid-19 tại chợ Tân An tử vong và dịch lây lan tại khu công nghiệp. Ngày 12-7, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cũng đã ký quyết định xử phạt hành chính một cá nhân 7,5 triệu đồng vì tung tin bịa đặt việc phong tỏa toàn tỉnh và bệnh nhân dương tính với Covid-19 gây hoang mang trong nhân dân...

Những hành vi nói trên của một số người dân phần lớn là do thiếu hiểu biết về pháp luật, chủ quan, đơn giản trong việc tạo tin và đưa tin lên mạng xã hội. Mặt khác là do người tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, muốn tạo thông tin lạ, tin hot nhằm câu like, câu view, gây sự chú ý trên mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online...

Đặc biệt, khi mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thì sự mất cảnh giác, không đấu tranh ngăn chặn kịp thời nạn tràn lan những tin đồn thất thiệt, tin giả trong xã hội và các trang mạng chẳng khác nào là hành động “nối giáo cho giặc”.

Do vậy, mỗi người chúng ta hãy bình tĩnh xem xét, cảnh giác ở mức cao nhất để phân biệt đúng sai trước những thông tin về dịch bệnh. Cần hướng đến những mục tiêu tích cực trên tinh thần đồng hành cùng cả dân tộc để chiến đấu và chiến thắng đại dịch nghiêm trọng này.

Ngày 29-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.