Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - một sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng, vừa diễn ra và kết thúc thành công tại Thủ đô Hà Nội.
Đã 75 năm trôi qua nhưng tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra cuối tháng 11-1946 tại Hà Nội vẫn còn xuyên thấm trong chủ đề hội nghị lần này. Đặc biệt, với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những quan điểm tư tưởng lớn của Đảng ta về văn hóa đã được nhấn mạnh lại: xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; coi văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…
Đảng ta cũng khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, vì vậy, trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, kết hợp với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Những quan điểm tư tưởng cốt lõi như vậy đã được hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này khẳng định lại. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về văn hóa trong thời kỳ xây dựng đất nước cường thịnh, văn minh. Điều quan trọng nhất là nhận thức đúng, từ đó có những quyết sách, hành động đúng nhằm đưa đất nước phát triển.
Thực tế, thành phố Đà Nẵng sau 35 năm đổi mới, nhất là 25 năm xây dựng và phát triển với vị trí là một thành phố trực thuộc Trung ương đã cho thấy Đảng bộ thành phố đã quán triệt những quan điểm của Đảng về vị trí , vai trò của văn hóa trong phát triển. Thành phố đã hoạch định nhiều chính sách và chủ trương nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của văn hóa vùng xứ Quảng để lấy đó làm sức mạnh nội sinh trong xây dựng và phát triển thành phố. Vấn đề xây dựng con người văn hóa là một mục tiêu hết sức quan trọng, cũng là nội dung được thành phố quan tâm triển khai sớm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các nghị quyết tiếp theo.
Thành ủy các khóa đã dành nhiều thời gian thảo luận và đề ra việc xây dựng tính cách con người Đà Nẵng kết hợp giá trị truyền thống và phẩm chất hiện đại. Công tác lãnh đạo, quản lý ở Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực theo hướng chú trọng khai thác và phát huy nhân tố văn hóa trong quá trình quản lý phát triển xã hội thành phố. Chương trình xây dựng thành phố “3 có”, trong đó có nội dung “có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị “ đã hướng tới xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mọi tầng lớp xã hội, từ những thành viên của các cơ quan công quyền cho đến mỗi người dân. Bước đầu thành phố đã hình thành và xác lập các giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức mới phù hợp lối sống đô thị hiện đại.
Trải qua 25 năm nhìn lại, chính nhờ những nét phẩm chất ấy mà người Đà Nẵng đã xây dựng được quê hương mình thành một địa chỉ đáng tin cậy, tạo thiện cảm của không ít người dân trong cả nước. Ngay trong những ngày Covid-19 diễn biến phức tạp, văn hóa cộng đồng, văn hóa cá nhân đã phát huy những giá trị rất đáng quý. Nhân tố văn hóa - thông qua người lãnh đạo - đã từng bước hiện diện trong quá trình hoạch định chính sách vĩ mô và vi mô, từ việc quy hoạch đô thị (kỹ thuật, mỹ thuật, an sinh xã hội) đến vấn đề môi trường (môi trường tự nhiên, môi trường xã hội) và cả việc đáp ứng những yêu cầu nhỏ nhặt nhất có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ đất nước phát triển tăng tốc, đáp ứng với mục tiêu và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa đề ra, thành phố chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Trong các thành tố của hệ giá trị tinh thần Việt Nam thời kỳ hiện đại, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia (với chúng ta có thể nói hệ giá trị cộng đồng người Đà Nẵng), hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người, mặc dù đã có được những thành quả tốt đẹp, được du khách, bạn bè quốc tế và trong nước đánh giá cao về sự thân thiện, hiếu khách của con người Đà Nẵng, nhưng trước yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, thái độ sống, lý tưởng nghề nghiệp… của con người Đà Nẵng hôm nay, còn cần phải có sự nỗ lực rất lớn, từ các cơ quan quản lý đến ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân của từng thành viên cộng đồng.
Một vấn đề khá mới mà hội nghị lần này quan tâm, đó là triển khai xây dựng nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại hội nghị đã đề cập đến nội dung này: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Đây cũng là nội dung rất mới được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quả thật, với vấn đề này, thành phố đang đứng trước thách thức không nhỏ. Kinh nghiệm các quốc gia đi trước, cũng như quan điểm, chủ trương xây dựng công nghiệp văn hóa ở nước ta đã nhấn mạnh: Công nghiệp văn hóa không dừng lại ở việc tạo tác ra các sản phẩm văn hóa, sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, mà từ những thành phẩm sáng tạo đó phải xác lập được một quy trình sản xuất, quảng bá, phân phối và lưu thông để tạo nguồn doanh thu xứng đáng với lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ và những người tham gia trong quy trình đó.
Nhìn lại thực tế, đội ngũ những người sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, sáng tạo vật phẩm văn hóa ở Đà Nẵng tuy còn khiêm tốn so với hai đầu đất nước, nhưng không phải không có những tác giả, những nghệ sĩ đỉnh cao. Tuy nhiên, để hình thành một nền tảng công nghiệp văn hóa của một đô thị lớn trong số 5 đô thị trực thuộc Trung ương thì phải nhìn nhận rằng, chúng ta còn có phần “hụt hơi”. Có lẽ, việc đầu tiên phải làm ngay từ bây giờ là quan tâm khâu đào tạo. Phải có một đội ngũ không nhiều, nhưng phải tinh thông trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa…
Thành phố có kinh nghiệm và có hiệu quả về cử người đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, nhưng đào tạo văn hóa đáp ứng đòi hỏi của hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cơ chế thị trường thì hình như chưa được quan tâm, dù đã được các chuyên gia cảnh báo ngay khi các đề án về đào tạo cán bộ mới bắt đầu triển khai trên địa bàn thành phố.
Điều quan trọng lúc này là phát huy kết quả của hội nghị, triển khai kết luận của hội nghị ở từng địa phương, đơn vị, nhất là làm sao để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, làm cho văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng thành phố. Những quan điểm đã nêu trong hội nghị chủ yếu vẫn là những quan điểm đã được quán triệt qua các đợt học tập nghị quyết các đại hội gần đây, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Vì vậy, không phải chỉ là xây dựng quan niệm mới về văn hóa, mà là quán triệt lại, nhận thức sâu thêm và nỗ lực hành động để chứng minh được rằng: Văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh của thành phố Đà Nẵng; nhờ có sức mạnh ấy, cùng với kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đưa thành phố phát triển bền vững, hùng mạnh, giàu đẹp, cùng đất nước tự hào bước vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và năm 2047, kỷ niệm Đà Nẵng nửa thế kỷ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.
NẠI HIÊN