Sứ mệnh thiêng liêng

.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân là nghề cao quý, gắn với vai trò, sứ mệnh của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Ở đó luôn có những ước mơ, khát khao cháy bỏng được nuôi dưỡng bằng cái tâm làm nghề và trách nhiệm với xã hội.

Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức con người, đời sống xã hội và cả ngành y tế. Đó là phép thử về mạng lưới y tế và nhân lực của ngành y. Và giờ đây, khi dịch bệnh được kiểm soát chính là khoảng thời gian những khát khao, ước mơ của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế càng trở nên cháy bỏng, thôi thúc hơn bao giờ hết.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, những nhân viên y tế vẫn ngày đêm thầm lặng cống hiến, vì sức khỏe của nhân dân. Mỗi một ca trực, mỗi nhiệm vụ của họ cũng giống như một cuộc chiến giành giật sinh tử cho người bệnh. Khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ được tính bằng phút, bằng giây, thì tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ và y đức của người bác sĩ, y tá hay nhân viên điều dưỡng… là những yếu tố quyết định đến sinh mệnh của một con người.

Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự khốc liệt của dịch bệnh. Nhưng chắc chắn không thể hiểu hết, thấu cảm hết những thiệt thòi, hy sinh, khổ sở mà nhân viên y tế đã trải qua. Chúng tôi đã chứng kiến một nhân viên y tế xông pha những ngày chống dịch vì bình yên của nhân dân, đến ngày chị chuyển dạ sinh con thì loay hoay tới bệnh viện vượt cạn mà không có người thân bên cạnh.

Chúng tôi cũng chứng kiến một nhân viên kiểm soát bệnh tật nuốt nước mắt vào trong, không thể về chịu tang mẹ vì phải ở lại tuyến đầu làm nhiệm vụ… Có hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn nhân viên thì cũng có hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn nỗi khổ, sự hy sinh thầm lặng.

Họ âm thầm, lặng lẽ đóng góp cho đời, cứu chữa những mảnh đời đang đứng giữa sự sống và cái chết. Và bất cứ trong hoàn cảnh nào, họ vẫn miệt mài, tận tuỵ với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân theo nhiệm vụ được phân công.

Trong những tấm gương “Tỏa sáng blouse trắng” được tuyên dương năm nay, họ là nữ bác sĩ vẫn đau đáu với những bệnh lý của trẻ khi chào đời; một kỹ thuật viên có thâm niên hàng chục năm, âm thầm như những thiết bị anh tiếp xúc hằng ngày nhưng lại trách nhiệm, tận tâm hết mức. Hay là những bác sĩ, y tá, điều dưỡng thế hệ 8X nhưng đã tạo dựng cho mình một hành trình vững chãi bằng tri thức và trách nhiệm trong mỗi ca trực…

Khi được hỏi, họ chỉ trả lời rằng: không có gì to tát cả, đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, là nhiệm vụ phải làm! Nhưng chính sự bình dị, khiêm nhường ấy cho chúng ta hiểu rằng, đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thì đó là sứ mệnh thiêng liêng của những “lương y như từ mẫu”, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi.

Khi được hỏi về ước mơ của mình nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, lãnh đạo một bệnh viện trên địa bàn thành phố trả lời rằng, được làm tròn bổn phận của mình: chữa bệnh cứu người. Suy rộng ra, đó không chỉ là bổn phận mà chính là trách nhiệm xã hội, nhân dân gửi gắm ở đội ngũ y tế. Và trên thực tế, đó chính là ước mơ cháy bỏng của nhiều người trong ngành.

Mơ ước của một lãnh đạo bệnh viện hạng 2, sau khi cơ sở vật chất được cải tạo, trang thiết bị được đầu tư thì không phải ngậm ngùi, bất lực nhìn nhân viên mình chủ động xin nghỉ việc nữa. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều nhân viên buộc phải nghỉ việc hoặc dịch chuyển sang hệ thống y tế tư nhân.

Mơ ước của một nhân viên y tế cấp xã, phường - nơi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn và thiệt thòi chỉ là hệ thống y tế cơ sở được nâng cấp, đầu tư về con người, trang thiết bị, để giúp bà con được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Mơ ước của một bác sĩ chuyên phẫu thuật ngoại thần kinh là có đủ sinh phẩm, vật tư để thay khớp gối cho một cụ ông đã đến kỳ phẫu thuật. Hay mơ ước của nhân viên cấp cứu là không phải bắt gặp ánh mắt cầu cứu của bệnh nhân khi chuyển viện do thiếu thuốc điều trị…

Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển ngành y tế. Hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo, xây mới các cơ sở, trung tâm y tế; đề án thu hút nhân lực; thành lập các lĩnh vực y khoa hàng đầu… đã và đang tiếp tục khẳng định Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế của khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Những khó khăn, kiến nghị trong ngành sẽ tiếp tục được lắng nghe, giải quyết kịp thời. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện gửi các bộ, ngành Trung ương, các địa phương để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế thời gian qua, đặc biệt là công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Hy vọng với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngành y tế sớm trở lại “quỹ đạo”, tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.