Xây dựng Đảng gắn với phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đà Nẵng

.

Cách đây 93 năm, vào ngày 3-2-1930, hội nghị hợp nhất Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn do Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì, khai mạc tại Cửu Long gần Hương Cảng. Sau 5 ngày làm việc, hội nghị có giá trị lịch sử như đại hội thành lập Đảng đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 28-3-1930, tại bãi cát Trường Lệ ở Faifo/Hội An, đặc trách Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc thông báo kết quả hội nghị Cửu Long và đề nghị các tổ chức tiền thân trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, kịp thời hợp nhất để thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, bao gồm thành phố Tourane/Đà Nẵng do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

Trải qua hơn chín thập niên hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng” (Điều lệ Đảng 2011).

Trong quá trình “thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn” có ý nghĩa sống còn ấy, nhất là từ khi thực hiện cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng luôn gắn công tác xây dựng Đảng với việc học tập và làm theo lời dạy và tấm gương hành động ngời sáng của Bác Hồ nhằm “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng”, cụ thể đã gắn công tác xây dựng Đảng bộ thành phố năm 2023 với việc triển khai thực hiện chuyên đề Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đà Nẵng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở vận dụng tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.  

Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023”, chẳng hạn trên cơ sở kết quả hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2022, Đảng bộ thành phố có thể tổ chức nhiều sinh hoạt học thuật nhằm cụ thể hóa hệ giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương mình là văn hóa biển. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” lần đầu tiên khẳng định phải “phát triển thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng” - tạo điều kiện để Đà Nẵng không chỉ đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật mà còn có thể thực hiện hiệu quả các đề án phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung.

Một thuận lợi nữa là sự lãnh đạo sâu sát của Ban Thường vụ Thành ủy trong quá trình hiện thực hóa quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI): “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, thể hiện rõ qua việc ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 27-12-2022 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố” gắn với Đề án “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, phù hợp với lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” của UBND thành phố.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, cần tiếp tục nhân rộng mô hình HĐND thành phố tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với những người đã và đang hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật như cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố hồi tháng 3 năm 2022. Qua đó, nhận diện đầy đủ hơn những vấn đề bức xúc, những nội dung đột phá liên quan tới chuyên đề Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đà Nẵng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng nhằm tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Cần thấy phát huy sức mạnh con người Đà Nẵng là phát huy sức mạnh của toàn bộ cộng đồng cư dân Đà Nẵng, bao gồm những người Đà Nẵng xa quê sinh sống trong cả nước cũng như định cư ở nước ngoài, nhưng trước hết là phát huy sức mạnh của cả đội ngũ đảng viên và của từng đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố. Cần thấy phát huy “giá trị văn hóa Đà Nẵng” là phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của một thành phố cảng biển cũng như những giá trị văn hóa trong từng gia đình và từng khu dân cư trên địa bàn, nhưng trước hết là phát huy những giá trị văn hóa của một đảng lãnh đạo cầm quyền đúng theo quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cách đây hơn sáu thập niên nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” trong từng tổ chức đảng và đảng viên của Đảng bộ thành phố. Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng (1930-2030), công tác xây dựng Đảng ở Đà Nẵng không thể không ra sức phấn đấu để Đảng bộ thành phố thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.