Gỡ nút thắt cho ngành y tế

.

Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các “nút thắt” mà ngành y tế đang đối mặt lâu nay, giúp chủ động, kịp thời hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau khi Covid-19 được kiểm soát, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng khan hiếm, nhà cung ứng nhỏ giọt, giá cả tăng nhanh. Các công ty thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối khiến công tác mua sắm, đấu thầu tại các cơ sở y tế gặp khó.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2023, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên phổ biến và cấp bách tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Nhiều loại vật tư, hóa chất y tế tại các bệnh viện đã hết, lãnh đạo ngành y tế các địa phương liên tục phản ánh tình trạng trên nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình.

Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế. Tuy nhiên trên thực tế, những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa giải quyết triệt để.

Không những thế, những quy định trong việc thanh toán hóa chất, xét nghiệm các máy đặt sẵn, cho thuê tại các bệnh viện không được BHYT thanh toán đã gây khó khăn, bất lợi cho hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán lâm sàng tại các bệnh viện. Chiếu theo các quy định đó, chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế bị BHXH từ chối thanh toán là rất lớn.

Nghị quyết 30/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 4-3-2023 trên cơ sở lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành y tế. Theo đó, Nghị quyết 30/NQ-CP đã sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 “cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu”.

Theo lãnh đạo một bệnh viện trên địa bàn thành phố, có khoảng 80%, thậm chí 100% máy xét nghiệm đặt tại các cơ sở y tế đều do các nhà cung cấp đặt theo dạng cho thuê, cho mượn.

Cụ thể, sau khi ngành y tế đấu thầu công khai mua hoá chất xét nghiệm, đơn vị trúng thầu sẽ có nhiệm vụ đặt các máy xét nghiệm (có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng) để sử dụng hóa chất đó và trực tiếp lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm, kiểm định, kiểm chuẩn để bảo đảm máy hoạt động chính xác.

Điều này trở thành thông lệ trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam, giúp địa phương, ngành tiết kiệm được ngân sách mua thiết bị và tránh được tình trạng chỉ định thầu đối với hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm. Nghị quyết 30/NQ-CP ban hành kịp thời giúp xóa bỏ tình trạng “đắp chiếu” máy xét nghiệm do lo ngại BHYT không thanh toán chi phí theo quy định trước đây, giúp các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán lâm sàng tại các cơ sở y tế được thực hiện liên tục, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 30/NQ-CP cũng cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Theo phản ánh của các cơ sở y tế, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất là hàng hóa bán hàng phải có ủy quyền, một số mặt hàng chỉ có 1-2 công ty được ủy quyền phân phối, ngoài ra một số trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất đặc thù cả nước chỉ có một vài nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, do đó không thể khảo sát đủ 3 báo giá.

Chưa kể, quy định giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày lại càng khó. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc trình hồ sơ đấu thầu. Nghị quyết 30/NQ-CP điều chỉnh, cho phép chủ đầu tư được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Có thể thấy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã tập trung họp, lấy ý kiến và ban hành nhiều văn bản pháp luật để giải quyết những tồn tại, khó khăn trong ngành y tế, đặc biệt là công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Các Nghị quyết 144/NQ-CP, Nghị quyết 30/NQ-CP được ban hành để tháo gỡ từng phần khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của ngành y. Hy vọng với hành lang pháp lý được mở rộng và củng cố vững chắc, kết hợp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí của lãnh đạo các đơn vị, địa phương, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất trong hoạt động khám, chữa bệnh được khắc phục trong thời gian sớm nhất.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.