Thiên tai luôn tác động đến cộng đồng, do đó, trong công tác phòng chống thiên tai, tính mạng, tài sản của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Tại thành phố, những năm qua và hiện nay trong phương án phòng chống thiên tai đều xác định nguồn lực là cơ sở hạ tầng công làm phương án hậu cần. Các công trình công cộng như trường học, thiết chế văn hóa - thể thao… làm nơi tránh trú để hỗ trợ người dân thoát ra khỏi khu vực bị tác động bởi thiên tai.
Nhiều công trình công cộng ở thành phố luôn là điểm đến lánh nạn, trú ẩn an toàn cho người dân trong các đợt mưa bão và ngay thời điểm nguy nan như việc bùng phát Covid-19, hàng loạt các cơ sở trường học, khu ký túc xá được trung dụng làm nơi cách ly để kiểm soát dịch bệnh.
Trước ngày mưa to kéo đến thì đồng lòng mạo vét, khơi thông cống rãnh để tăng hiệu suất thoát nước cho đô thị. Khi mưa lũ đến, người dân không đơn độc ứng phó với thiên tai mà ngày hay đêm ở từng khu dân cư ngập nước đều có chính quyền, có bộ đội, công an trực tiếp chung tay cùng người dân phòng chống thiên tai.
Trong các ngày qua, thành phố đã sơ tán hơn 6.800 người dân đến nơi cao ráo, an toàn, trong đó có 372 người được sơ tán đến các điểm tập trung, hơn 6.400 người sơ tán tại chỗ. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố điều động 433 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 200 lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ công tác ứng phó, khắc phục tại khu vực biên giới biển và các điểm sạt lở đường…
Công an thành phố huy động 100% quân số ứng trực hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ giúp dân sơ tán, di dời tài sản. Việc sơ tán, ổn định cuộc sống người dân tránh trú chủ yếu sử dụng cơ sở vật chất trường học như Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Thanh Khê), UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).
Công trình công, tài sản công phục vụ đúng mục đích đầu tư xây dựng hẳn là lẻ thường. Thế nhưng, sử dụng tài sản công để đem lại lợi ích cho từng người dân đó mới là câu chuyện đi vào lòng người ở Đà Nẵng hôm nay. Đó là việc cơ sở trường học ở thành phố mở cổng cho người dân đưa ô-tô vào tránh ngập.
Cụ thể, chiều 14-10, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) đã thông báo trên fanpage của trường về việc hỗ trợ ô-tô tránh ngập lụt. Ngay sau có sự chia sẻ, fanpage đã nhận được nhiều lượt chia sẻ và “thả tim” của cộng đồng mạng. Theo nhà trường, do địa điểm của trường có địa thế cao hơn so với một số khu vực khác trên địa bàn phường, chưa bị ngập kể cả trong mưa lớn lịch sử như năm ngoái (14-10-2022). Để góp phần hạn chế thiệt hại cho bà con có ô-tô ở khu vực trũng thấp, các chủ xe có thể liên hệ đậu xe trên sân trường. Với hạ tầng và diện tích sân trường thì nơi đây đáp ứng gần 60 vị trí đỗ ô-tô để tránh ngập.
Việc Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mở cổng để người dân gửi ô-tô, tránh hư hỏng do ngập nước; giữ lại tài sản cho dân thực sự lan tỏa về hình ảnh đẹp khi chúng ta chung tay hướng đến xây dựng “một thành phố đáng sống”. Cơ sở vật chất Nhà nước được đầu tư xây dựng từ thuế của dân lại phục vụ miễn phí cho dân đó mới là hiệu quả đích thực của nguồn lực đầu tư công.
Những năm qua, HĐND thành phố đã thực sự quan tâm, thông qua hàng loạt các chủ trương đầu tư xây dựng công trình cộng cộng; nhiều dự án đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao, cơ sở vật chất trường học. Nguồn lực đầu tư công này luôn cần thiết, cấp thiết nhưng tổ chức thực hiện qua quy hoạch, thiết kế công trình cũng hướng đến hiệu quả sử dụng đa mục tiêu; xét yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành chuỗi cơ sở hạ tầng đô thị dùng chung. Trong đó có việc tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai hằng năm. Đó mới thực sự đích đến của nguồn lực đầu tư công từ những công trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị.
TRIỆU TÙNG