Mới đây, UBND thành phố thông báo tiếp tục tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) năm 2024, diễn ra trong tháng 6 và 7. Đây là năm thứ 12 DIFF được tổ chức, là sự kiện điểm nhấn, đưa thành phố bên sông Hàn thành tâm điểm lễ hội mỗi mùa hè, góp phần tạo dựng thương hiệu “Đà Nẵng, đáng đến và đáng sống” những năm qua.
Năm 2023, DIFF tạo nên một cú hích cho du lịch Đà Nẵng phục hồi sau dịch Covid-19 khi đón hơn 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ du lịch lữ hành tăng 174,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, năm qua thu hút được 38.667 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu mỹ thuật, doanh thu hơn 472 triệu đồng. Bên cạnh các không gian trưng bày cố định, bảo tàng tổ chức thành công 13 cuộc triển lãm chuyên đề cùng nhiều hoạt động trải nghiệm nghệ thuật phục vụ công chúng và du khách.
Nhắc đến hai lĩnh vực trên, dù doanh thu và thu hút khách chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhưng để thấy dù ở lĩnh vực nào thì dư địa vẫn còn rất lớn, nhất là ở thành phố được đánh giá năng động như Đà Nẵng. Đó cũng là 2 trong số 12 lĩnh vực được coi là ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam hiện nay, trong đó có các lĩnh vực trọng tâm là quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa. Dư địa có, song giải pháp nào để phát triển và phát triển xứng tầm vẫn là bài toán cần nhiều lời giải.
Với sự tổ chức thành công các sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc tế, thành phố đã tập trung phát triển và đạt những kết quả quan trọng về hoạt động lễ hội sự kiện và đạt danh hiệu Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á. Lễ hội Pháo hoa quốc tế định kỳ tổ chức các năm qua ngày càng quy mô và chất lượng trở thành thương hiệu độc đáo. Thời gian tới, thành phố tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026.
Từ năm 2016, để triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược này. Qua đó rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các sở ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai,… khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Hai năm sau hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, thành phố từng bước đầu tư xứng đáng cho văn hóa, cho di sản, để di sản trở thành nguồn lực phát triển bền vững, biến di sản thành tài sản. Thành phố đầu tư hơn 500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tòa nhà 42 Bạch Đằngvới tổng diện tích 8.686m2 thành Bảo tàng Đà Nẵng. Dù chưa đưa vào sử dụng song công trình này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách. Hay dự án bảo tồn, phục hồi di tích Hải Vân quan với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng đang trong những bước hoàn thiện để đón khách thăm quan. Hai công trình này sẽ là những điểm đến sáng giá được đưa vào khai thác trong năm 2024.
Đà Nẵng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Là thành phố du lịch, dựa trên các lĩnh vực văn hóa để phát triển cần được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Khi nhiều di tích là điểm đến thu hút đông đảo du khách, cần làm mới các chương trình, tăng sự trải nghiệm cho người thăm quan, khai thác hết chiều sâu văn hóa của di tích.
Trong tham luận của đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng tại hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2023, ngành văn hóa xác định bước đầu quan tâm định hướng phát huy di tích, đình làng, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch. Thành phố đã hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các nghề truyền thống.
Có thể nói thành phố cũng mới chập chững những bước đi đầu tiên và thành công lớn nhất là sự chuyển biến trong nhận thức rằng văn hóa có thể trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Từng di sản, di tích không chỉ đơn thuần mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học…, đó còn là tài sản nếu xét ở góc độ kinh tế. Đây là nguồn tài nguyên đáng giá để phát triển nền công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên để tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng, hình thành công nghiệp văn hóa cần sự đầu tư nhiều hơn nữa. Sở Văn hóa -Thể thao cũng đang triển khai đề án phát triển công nghiệp văn hóa thành phố. Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế; xem văn hóa là động lực thúc đẩy ngành du lịch và đóng góp vào hướng đi của thành phố trong lĩnh vực an sinh và chất lượng sống, lúc đó mới phát huy được tiềm năng, lợi thế của văn hóa và công nghiệp văn hóa.
HOÀNG NHUNG