Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố qua 5 năm triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, phải kể đến chủ trương phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, thành phố đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, ứng dụng các giải pháp công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, lĩnh vực công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm. Điều này cũng bổ trợ cho kế hoạch như đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm. Mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, việc tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước cũng là một chủ trương được đẩy nhanh trong những năm qua. Trong đó, đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được đẩy mạnh triển khai. Nhiều chiến lược đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đem lại những chuyển biến rõ nét; các công trình lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương của thành phố. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông liên vùng đánh thức tiềm năng nhiều vùng đất.
Những năm qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) có tốc độ tăng trưởng cao, dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Trong 4 năm liên tiếp, 2020-2023, Đà Nẵng được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vinh danh là thành phố thông minh nhất Việt Nam cho thấy chủ trương đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh đi đúng hướng. Ngành du lịch được xem là kinh tế đầu tàu, thành phố tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Tranh thủ các chủ trương, các nguồn lực từ Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố tiếp tục xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, chất lượng cao gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến xây dựng thành phố đáng sống. Thông qua việc nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo nhằm giúp cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở.
Những năm qua, thành phố phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng và triển khai các dự án động lực, trọng điểm, tạo sự liên kết, lan tỏa phát triển trong khu vực, phát huy vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Thành phố đang triển khai đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, bên cạnh việc xây dựng khu phi thuế quan để thành phố có cơ sở triển khai xây dựng đề án và đề xuất các cơ chế, chính sách đi kèm; tiếp tục triển khai các dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, nâng cấp nhà ga hành khách T1 - cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cơ sở hạ tầng liên quan; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua thành phố Đà Nẵng, dự án làng Đại học Đà Nẵng; dự án khơi thông sông Cổ Cò…
Trung ương và các bộ, ngành đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Qua đó xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết được xây dựng theo hai nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, quy định về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu nhằm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
HOÀNG NHUNG