Ngay sau ngày Đà Nẵng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng thành phố (29-3-1975 – 29-3-2024), Chính phủ ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 30-3-2024 về đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách. Nhóm 1: chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng (8 chính sách). Nhóm 2: các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách), bao gồm: chính sách về quản lý đầu tư (4 chính sách); chính sách về tài chính, ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan (5 chính sách); chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); chính sách về tiền lương, thu nhập (2 chính sách).
Đà Nẵng chính thức tổ chức mô hình chính quyền đô thị kể từ ngày 1-7-2026 theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới. Đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại. Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng.
Qua quá trình thẩm định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, các bộ, ngành Trung ương đã ủng hộ và thống nhất với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cần thiết “Xây dựng Đà Nẵng là đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ”.
Tại phiên họp của Bộ Tư pháp về thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-3 vừa qua, các thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương ghi nhận những tâm huyết và quyết tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua vì mục đích phát triển chung của thành phố. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, các chính sách trong đề cương dự thảo nghị quyết đã phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội để chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của mô hình chính quyền đô thị và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Từ đây, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
GIA PHÚC