Mấy năm trở lại đây, trong các cuộc liên hoan, từ đám cưới cho đến tiệc mừng nhà mới, hoặc phổ biến hơn là trong các quán nhậu, ta thường thấy cảnh một nhóm bạn bè, thường là trẻ tuổi, có cái cách ăn và uống hơi lạ: Đang ngồi với nhau, tự nhiên có người phát động, và đứng dậy bắt nhịp: 1,2,3 và cả bàn hô theo “dzô, dzô, dzô...” rồi nốc cạn. Nốc trọn vẹn.
Tiếng hô càng dõng dạc thì tiếng ngân càng lớn và mức độ hả hê hình như cũng tăng theo. Một bàn, và nếu cùng trong một hội trường thì cảnh đó được nhanh chóng nhân ra. Họ không làm một lần, mà phải nhiều lần trong một buổi tiệc. Họ thi nhau uống, uống đến lực cùng sức cạn thì cuộc vui hình như mới đến được điểm đỉnh, mới trọn vẹn nghĩa tình. Họ không cần biết chung quanh, những người đang rất cần sự yên tĩnh cần thiết để hàn huyên chuyện vãn. Điều này càng trở nên bức xúc, khi đêm đã về khuya, cái âm vang dzô, dzô càng trở nên nặng nề, khó chịu từ các hàng ăn trên phố.
Chuyện ăn và uống từ xưa đã là thước đo đầu tiên của văn hóa. Khi các dân tộc biết chọn cho mình thực phẩm và cách chế biến thức ăn, để làm nên cái riêng của bản sắc văn hóa ẩm thực, thì tự nó cũng đòi hỏi những quy ước rất chặt chẽ về cách ăn và uống. Và nhìn cách chế biến và thưởng thức hương vị, người ta biết gia phong, truyền thống và cả trình độ của chủ nhân. Không phải ngẫu nhiên mà chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình được nhiều người quan tâm.
Biết cách ăn và uống, vì vậy không chỉ là biết việc thưởng thức cái ngon, cái tinh túy của đất trời dồn lại trên đĩa, trên mâm không thôi đâu. Cách ăn, vì vậy lại là điểm để làm nên tầm cỡ nhân cách văn hóa một người. Khi ăn không chỉ ta với bát cơm, con cá mà còn là quan hệ giao tiếp giữa ta với chung quanh: hẹp thì với gia đình, rộng thì bạn bè, khách khứa. Cái để ăn nhiều khi không quan trọng bằng cách ăn.
Thế nhưng trong cuộc sống ngày nay, bên cạnh những nét đẹp văn hóa cũ và mới của việc ăn và uống, xuất hiện nhiều chuyện đáng suy nghĩ. Cái cách dzô, dzô... có thể được giải thích là nhằm khuấy động cho có không khí sôi nổi, để người uống thể hiện tính... cộng đồng, để tạo hưng phấn theo kiểu “đồng khởi”.
Có thể lý giải chuyện dzô, dzô chỉ là chuyện của một bộ phận thanh niên, và vì là thanh niên nên họ có quyền thể hiện tính cách trong việc ăn uống, nhất là trong những trường hợp liên hoan, cưới tiệc... tuy nhiên thật khó tìm thấy chiều sâu văn hóa cho sự giải thích này. Thật là khó chịu khi đương ngồi trong quán, hoặc trong một hội trường, với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau và đột nhiên đâu đó bùng lên cái khí thế đầy chất men kích thích dzô, dzô...
Thành phố mình đang làm rất nhiều việc để thực hiện cho được “nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Từ việc nhỏ như khi vào quán ăn không vứt rác xuống nền, phơi đồ đúng chỗ, cho đến việc lớn như xây dựng thành phố môi trường, trong các việc đó tất thảy đều có sự tham gia của người dân. Cái thói quen dzô, dzô khi ăn và uống rất xa lạ với một nếp sống có văn hóa. Phải tìm cách chấm dứt cái việc dzô, dzô này trước khi nó trở thành cố tật. Lẽ nào mỗi khi liên hoan, tiệc tùng không dzô, dzô thì cuộc vui sẽ kém đi sự hào hứng, đậm đà?
NGHỊ VĂN
.
.
“dzô!”
Thứ Sáu, 24/07/2009, 08:51 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.