Trong cuốn “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn”, ông Phạm Khắc Hòe (nguyên là Ngự tiền văn phòng Đổng lý của Hoàng đế Bảo Đại) có nhắc đến câu chuyện về vua Minh Mạng. Chuyện kể có đoạn: “Một hôm vua Minh Mạng đến chỗ đong lương, thấy một nhân viên không dùng ống gạt lên miệng đấu như đã quy định mà lại dùng bàn tay để có thể bớt xén mỗi lần một chút lương thực.
Nhà vua liền ra lệnh chặt cụt hẳn bàn tay của người ấy, máu chảy ròng ròng... rồi lấy bông tẩm máu chấm lên mặt tất cả các nhân viên của Sở đong lương”. Kể câu chuyện này để thấy, dù ở thời nào thì hành vi gian lận hàng hóa đều diễn ra. Và người xưa rất nghiêm khắc trong việc trị tội gian lận. Ngày nay, tình hình phức tạp hơn nhiều. Thủ đoạn, mức độ và lĩnh vực tinh vi và nặng nề hơn ngày xưa rất nhiều.
Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa (ngày 31-7) là thời điểm Nghị định 54/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng có hiệu lực. Từ thời điểm này, các vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải chịu xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền gấp nhiều lần so với mức cũ. Trong thời gian qua, nhiều cách gian lận rất tinh vi: Dùng chip tác động để đong gian xăng, dầu, hàm lượng xăng không đúng như công bố, hoặc công bố sai chỉ tiêu hàm lượng sữa...
Đó là những vụ việc lớn đã được đưa ra công luận. Nhưng còn những việc cho là tủn mủn của cuộc sống đời thường như cân, đo, đong, đếm hàng hóa nhỏ nhặt ở chợ vẫn diễn ra một cách công khai, mặc nhiên. Sẽ là xót xa khi Nhà nước đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua sắm các thiết bị phục vụ cho công tác kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng, nhưng cuối cùng gian lận vẫn hoàn gian lận. Người đi chợ lâu nay luôn ta thán về việc thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, nhưng mấy ai đem nem, chả, thịt chà bông vào phòng thử hàn the miễn phí ngay tại chợ? Một điều dễ thấy nhất hiện nay là tình trạng cân đối ứng được trang bị tại các chợ nhưng chúng đều bị “đắp mền”, bám bụi một chỗ do ít sử dụng.
Từ bó rau đến con cá, ký trái cây bán trong chợ hay hàng rong các vỉa hè, khi đem kiểm tra đều cho thấy trọng lượng thiếu hụt. Lâu nay, cả Chi cục QLTT lẫn Chi cục Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, Phòng Kinh tế các quận, huyện không mấy lần đi kiểm tra “ba cái vụ lẻ tẻ” này. Nếu có, việc xử lý vẫn còn rất tượng trưng. Chính vì thế, gian lận trong cân-đo-đong-đếm vẫn còn là việc rất cần được quan tâm.
Hy vọng, với việc ban hành Nghị định mới, các hành vi gian lận nói trên sẽ được xử lý mạnh hơn như trường hợp “chặt tay” nhân viên Sở đong lương trong câu chuyện thời Minh Mạng.
NGHỊ VĂN
.
.
Gian lận đo lường
Thứ Năm, 23/07/2009, 08:16 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.