Cứ mỗi lần dự đại hội nào đó, hình ảnh thật năng động, tự tin và nhất là âm thanh rộn rã của đội trống nghi thức Nhà Thiếu nhi thành phố bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc. Thấy các em mà lòng mình dậy lên cảm xúc tự hào: trẻ em thành phố mình tuyệt quá... Nhưng khi đến cái nôi tạo ra những cảm xúc ấy mới thấy có nhiều điều ngạc nhiên.
Nhà Thiếu nhi thành phố bây giờ khác quá. Nhớ những ngày đầu, đây được xem là nơi đẹp nhất, hoạt động phong phú, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng trống và rất nhiều các hoạt động, mà qua đó ta dễ nhận ra những mầm nụ tài năng được nâng niu, chăm sóc chu đáo và trách nhiệm.
Các hoạt động của đội, nhóm (đội trống, đội văn nghệ Vàng Anh, Câu lạc bộ Phóng viên trẻ, các hoạt động kỹ năng...); các lớp năng khiếu (đàn, hát, múa, vẽ, vi tính...); các hoạt động phong trào (những hội thi, hội diễn, thi đấu...) tạo được dấu ấn sâu sắc đối với phụ huynh cũng như phong trào thanh-thiếu nhi. Ngoài ra, còn có hoạt động rất hiệu quả của Trường Tiểu học bán công năng khiếu. Có thời, để xin được vào học ở trường này là cả một niềm tự hào và cũng vào loại khó xin học nhất trong các trường tiểu học thành phố.
Bây giờ vào Nhà Thiếu nhi mà sao cảm thấy nhạt quá. Đâu rồi những hoạt động đầy ắp tiếng cười nhưng cũng tràn đầy sự nghiêm túc ngày nào. Lơ thơ vài ba lớp gọi là “năng khiếu” vẽ tranh, nhạc, vi tính... Cái chính là thiếu các hoạt động ngang tầm một nhà thiếu nhi cấp thành phố, hình như đang thiếu một cái hồn để làm nên chất mới của một nhà thiếu nhi chăng? Có phải các em bây giờ đã “khô”? Hay các em không có nhu cầu? Hay các trường tiểu học bên ngoài đã bảo đảm đủ các hoạt động cho các em rồi? Có lẽ không phải vậy.
Tôi đã nhìn không chán mắt các hoạt động thật sôi động và cũng rất thông minh của các em tại Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh. Xã hội càng phát triển thì hoạt động của nhà thiếu nhi càng phải phong phú, càng phải là nơi bật dậy những thôi thúc sáng tạo, những vui chơi bổ ích, những chắp cánh cho tài năng của các em. Ngay cả hoạt động của trường gọi là năng khiếu cũng không còn cái độc đáo như ngày nào. Làm thử một so sánh số các em vào trường chuyên Nguyễn Khuyến bây giờ với cách đây dăm năm mới càng thấy bức xúc.
Đã đến lúc nên xác định nơi đây là nhà thiếu nhi hay là trường tiểu học? Hoạt động nào được xác định là chính yếu? Chức năng của một trường tiểu học và nhiệm vụ của một nhà thiếu nhi cần phải được phân biệt và phải được ứng xử đúng mức.
Hiện thành phố có 3 nhà văn hóa (Lao động, Thanh niên và Thiếu nhi). Ngoài ra, còn có một số câu lạc bộ. Mỗi nơi đòi hỏi mô hình hoạt động và tính chất quản lý riêng. Nhưng trong số đó, nhà thiếu nhi (sau này ta thêm từ văn hóa vào) là nơi cần sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều nhất của thành phố, của xã hội.
Có lẽ vấn đề chính không phải là kinh phí, mà là người có ý tưởng mới và việc tổ chức thực hiện cho được các ý tưởng đó theo yêu cầu của các em. Nên nhớ rằng, Mỹ Tâm trở thành ca sĩ nổi tiếng như hiện nay, được bắt đầu từ những ngày tuổi nhỏ tham gia hoạt động sôi nổi tại lớp năng khiếu ca hát của Nhà Thiếu nhi thành phố này. Chuyện nhà thiếu nhi chắc không phải chỉ là chuyện riêng của trẻ em thôi.
NGHỊ VĂN
.
.
Nhà thiếu... nhi
Thứ Sáu, 17/07/2009, 09:01 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.