.

Số nhà

Cái số nhà cũng gần giống như cái tên của mỗi người. Người ta không thể quan hệ với xã hội nếu không có tên gọi. Góc độ quản lý, bất cứ xã hội nào cũng bắt buộc mọi người phải có tên, họ và chữ lót nữa. Số nhà, ở một khía cạnh nào đó cũng tương tự như vậy. Chuyện tưởng chừng không có gì phải bàn, nhưng hiện còn rất nhiều con đường, nhất là các khu tái định cư, với hàng ngàn hộ, lâu nay ở mà không có số nhà. Nói tóm lại, nhà chưa có tên gọi. Tình trạng này kéo dài khá lâu, gây khó khăn lớn trong quản lý, phiền phức và rắc rối trong sinh hoạt, giao tiếp của nhiều hộ dân.

Có ý kiến cho rằng không thể đánh số nhà khi trên một con đường, do quá trình tái định cư, người dân làm nhà chưa kín hai bên đường, vì vậy không thể đánh số theo thứ tự theo kiểu nhà cửa đã xong đâu vào đấy được (số nhà đánh từ nhỏ đến lớn theo hướng từ đông sang tây, từ bắc vào nam, bên chẵn, bên lẻ). Vậy nên, phải chờ. Tình trạng nhà không có số là đương nhiên. Thế nhưng, thực tế cho thấy, trong các khu dân cư mới, mỗi năm số hộ di dời, giải tỏa, tái định cư lên đến cả ngàn hộ, và trong số đó không phải mọi nhà đều xây ngay, có nhiều trường hợp phải sau rất nhiều năm, họ mới làm nhà. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều nhà đã làm xong từ lâu, nhưng không thể có số nhà, đành “chỉ mò”.

Cho nên, cần thiết thống nhất việc đặt số nhà theo số “lô” của chủ sở hữu được cấp trong quyết định. Khi nhà xây xong, theo yêu cầu của chủ nhà về việc đăng ký số, cơ quan chức năng của UBND quận và phường có trách nhiệm tập hợp, kiểm tra và tổ chức việc cấp số nhà. Thiết nghĩ đây là cách duy nhất phải làm hiện nay. Sẽ có trường hợp một nhà có 2, 3 lô thì số nhà cũng sẽ có 2, 3 số như số của lô, hoặc số bị “nhảy” không theo thứ tự.

Việc này, trong thực tế dễ dàng được xã hội chấp nhận, và không phải là cản trở trong sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên một trong các trở ngại hiện nay là việc “dập” biển số. Nơi có trách nhiệm làm công việc này hiện quá tải. Thông thường, hồ sơ từ phường, quận đến cơ quan làm biển số phải mất cả tháng, nhiều khi hơn. Người dân thì bức xúc, nhưng con đường để có một cái số nhà xem ra không thuận tiện, phải đi, hẹn, có khi chờ đợi rất lâu.
 
Vấn đề không phải chỉ là số tiền 30.000 đồng một biển số, mà làm sao cho cái công đoạn “đặt tên” này dễ dàng, thuận tiện hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể “xã hội hóa” việc dập biển số nhà. Thành phố quy định kích thước, chất liệu, yêu cầu kỹ thuật cụ thể, và người dân có thể dập theo đúng quy định, tương tự như quy định về việc làm các biển tên cơ quan mà thành phố đã ban hành.

Việc gắn biển tên đường cũng cần được quan tâm hơn. Theo quy định, sau khi có Nghị quyết về đặt, đổi tên đường của HĐND thành phố, thì công việc này phải hoàn thành trong vòng 90 ngày. Thế nhưng không phải lúc nào cũng bảo đảm như quy định. Mong sao khi chuyển vào nhà mới, ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui: tân gia, nhà có số, phố có tên.

NGHỊ VĂN

;
.
.
.
.
.