Các cấp học từ THCS đến Đại học ở nước ta, nói chung lớp nào, cấp nào cũng coi ngoại ngữ là môn học bắt buộc. Do yêu cầu hội nhập, tiếng Anh hiện được giảng dạy và học tập phổ biến trên phạm vi cả nước. Từ lớp 6, các em đã bắt đầu học ngoại ngữ, thường là mỗi tuần từ 4 đến 6 tiết. Ở trường, ngoại ngữ được xem là một trong các môn học chính.
Thế nhưng, có một nghịch lý là sau 7 năm học phổ thông, và cả 4 năm học đại học nữa, trình độ ngoại ngữ của HS, SV vẫn chỉ là một mớ nhận thức khá mơ hồ, mà nếu nói nghiêm chỉnh sẽ chẳng biết xếp vào cỡ trình độ nào. Có trường hợp lớp 12 rồi, có em vẫn không phân biệt được sự khác nhau của một từ tiếng Anh với tiếng Pháp.
Câu chuyện về một học sinh giỏi của một trường chuyên có tiếng, sau khi đoạt giải quốc tế, thi đỗ đại học điểm cao, hội đủ các tiêu chuẩn để được thành phố đầu tư du học ở một trường đại học danh tiếng của nước ngoài, nhưng em không thể đi được. Lý do: Trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của em không đủ để theo học tại nước ngoài. Vì sao một HS giỏi, trong môi trường học tập có thể nói là lý tưởng, nhưng không đủ trình độ tiếng Anh tối thiểu như vậy?
Câu trả lời sẽ rất khác nhau, nhưng có lẽ việc xác định mục tiêu cụ thể của việc học ngoại ngữ trong toàn bộ cấu trúc chương trình phổ thông, so với yêu cầu thực tế có một khoảng cách lớn. Hình như trước đây học ngoại ngữ cũng chỉ là để “cho biết”, không có sự ràng buộc rõ ràng để ngoại ngữ như một công cụ trực tiếp nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức của người học. Ngày nay, trong môi trường hội nhập, kiến thức lưu chuyển trong môi trường mạng gần như vô tận và “cập giây” (xin lỗi không phải là cập nhật nữa), thì việc có một ngoại ngữ thành thạo là biên giới của sự khác nhau về trình độ và năng lực mỗi người.
Mới đây, Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, theo đó phấn đấu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.
Chắc chắn rằng, với quyết định này, nhận thức việc học và dạy ngoại ngữ sẽ được đặt trong yêu cầu mới. Và dĩ nhiên giai đoạn trung học có vai trò hết sức quan trọng. Vấn đề là, ngay từ bây giờ việc dạy ngoại ngữ cần phải được đổi mới một cách cụ thể và nghiêm túc hơn.
Đòi hỏi có ngay một đội ngũ giáo viên giỏi cho tất cả các trường phổ thông của thành phố là chuyện không thực tế, vậy nên cần có sự lựa chọn, làm sao mỗi trường, mỗi lớp có sự chuyển biến thật sự trong việc giảng dạy, truyền dẫn sự đam mê và kiểm soát được lượng kiến thức theo một hệ thống cần thiết, để chí ít khi tốt nghiệp phổ thông trung học, mỗi em có được vốn liếng ngoại ngữ đủ để có thể tiếp cận thông tin phổ thông, và là cơ sở để có thể tiếp thu bài giảng chuyên ngành ở đại học bằng tiếng Anh. Cần nhớ là chúng ta chỉ có 10 năm nữa để thanh niên của thành phố này “có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc”.
NGHỊ VĂN
.
.
Chuyện học ngoại ngữ
Thứ Sáu, 14/08/2009, 08:35 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.