Bấy lâu nay, việc thả rông chó ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, đô thị; chó chưa được tiêm phòng dại cắn người; chó chạy qua đường gây tai nạn giao thông; chó phóng uế bậy… luôn khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.
Theo đó, kể từ ngày 19-9-2009, tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa), tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc-xin, số lô. Người nuôi phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y; thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người.
Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải có rọ mõm và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường phố làm mất vệ sinh nơi công cộng; phải thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi…
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi và thành phố chưa có thêm văn bản hướng dẫn, nhưng theo đại diện của Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố sẽ triển khai thực hiện tốt thông tư này vì đã có một thời gian dài thực hiện Quyết định số 5071 ngày 22-12-1997 của thành phố về việc triển khai tiêm phòng dại và tổ chức xử lý chó chạy rông. Từ năm 1997-2006, hằng năm các địa phương đều tổ chức ra quân bắt chó chạy rông rất rầm rộ, đạt hiệu quả tuyên truyền cao và việc tiêm phòng dại cũng thực hiện rất bài bản.
Hiện trên toàn thành phố có khoảng 30 ngàn con chó, năm nay đã tiêm phòng được 24.300 con; khoảng 90% chó trong nội thị đã được tiêm phòng, còn ở huyện Hòa Vang cũng chỉ mới tiêm phòng được 2.100 con ở các xã đồng bằng, đạt tỷ lệ 40%. Một cán bộ thú y cho hay: “Ở nội thị, người dân rất… cưng chó, rộn ràng ôm chó đến tiêm phòng và dễ dàng chi ra 17.000 đồng cho mỗi liều tiêm.
Nhưng ở khu vực nông thôn thì khác, chó được thả rông khắp nơi, người dân thiếu tiền tiêm phòng dại, bên cạnh đó, việc giữ được chó để tiêm cũng là một vấn đề. Đây là một khó khăn không nhỏ”. Cũng theo thông tư nói trên, chủ vật nuôi chịu mọi trách nhiệm khi để chó chạy rông, cắn người hay phóng uế làm ô nhiễm môi trường công cộng; bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng.
Trong trường hợp chủ vật nuôi để chó chạy rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị; nếu có chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong thời gian điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan cho hậu quả do người bị chết để lại theo Quy định tại khoản 3, Điều 5 của Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9-1-2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật. Ngoài ra cũng đã có những Nghị định khác của Chính phủ quy định chế tài xử phạt người nuôi chó; người xẻ thịt, chế biến thịt chó… vi phạm.
NGHỊ VĂN
.
.
Chuyện nuôi chó
Thứ Ba, 25/08/2009, 07:32 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.