Sau buổi Chủ tịch HĐND thành phố nói chuyện với các đức ông chồng hay đánh vợ, buộc các vị này ký cam kết từ nay phải chừa việc đánh vợ. Cả nước quan tâm, chị em thành phố khấp khởi vui mừng. Ít ra từ nay, việc anh hành hung vợ, con không còn là việc riêng của gia đình anh, mà tệ nạn này sẽ được kiểm soát, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì sẽ có biện pháp mạnh từ phê phán trước dân cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Mục đích chính là làm sao giảm và dần dần thành phố anh hùng này không còn tình trạng đáng xấu hổ là có cả trăm người đánh vợ.
Tuy nhiên, chỉ hơn mươi ngày sau, trong buổi gặp của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố với 130 bà vợ bị bạo hành gia đình kia, thông tin phản hồi từ chính các chị khiến ta không khỏi chạnh lòng. Có lúc cả hội trường trở nên im phăng phắc, chỉ còn bật lên tiếng nấc của các chị: “Từ sau buổi gặp mặt ngày 5-8 ấy, tưởng ông ấy ăn năn, hối hận. Ngược lại, ổng như bị kích thích càng đánh tôi nhiều hơn, không chiều nào ổng không đánh, không những đánh bằng tay, chân mà còn cả bằng dao”.
Có chị hằn lên nỗi niềm cơ khổ: “Ổng hình như không đánh không chịu được, đánh mọi lúc, đánh lúc say và cả lúc tỉnh”. Nghe các chị nói thấy đắng cả lòng. Không ở đâu có chuyện người lãnh đạo cao nhất của thành phố gặp mặt, chia sẻ, khuyên bảo và buộc các ông chồng vũ phu ký cam kết thôi không bạo hành với vợ và con nữa, thành phố xem đây là một trong những nội dung cụ thể để thiết thực xây dựng thành phố có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Thế nhưng qua những điều các chị kể vào sáng ngày 18-8, rõ ràng căn bệnh này cần phải được quan tâm đúng mức hơn. Tôi vẫn tin rằng tác dụng của buổi gặp hôm 5-8 là rất căn bản, nó buộc các ngành liên quan, nhất là các địa phương phải có cách làm khác hơn trước. Không thể chung chung bằng những lời kêu gọi sự tự giác, sự hồi tâm, mà dứt khoát phải có biện pháp cụ thể.
Được biết, trong buổi gặp mặt đó, tuy rất khó khăn, nhưng Hội LHPN thành phố cũng có chút quà cho mỗi chị là 500.000 đồng. Không ai nghĩ rằng với số tiền đó sẽ thay đổi được tình hình, nhất là với các hoàn cảnh éo le, nghèo túng, nhưng chắc chắn đó là khoản tiền thể hiện trách nhiệm của thành phố. Biện pháp lâu dài và căn bản là phải tạo điều kiện về kinh tế, cho cái cần câu tốt hơn cho con cá.
Những lời khuyên là rất cần thiết, nhưng không lẽ để các chị mãi cố gắng im lặng và âm thầm tiếp tục chịu đựng? Có lẽ phải đưa việc đánh vợ vào nội dung sinh hoạt của các tổ Đảng, tổ dân phố và phải là chỉ tiêu thi đua của các địa phương.
Hãy để cho các chị lên tiếng. Không lẽ cả một hệ thống đoàn thể từ cơ sở lên thành phố, không lẽ các vị tổ trưởng không biết cụ thể trong tổ mình còn ai hay đánh vợ? Bớt những chỉ tiêu chung chung, thay vào đó là những điều cụ thể: Tổ, phường không còn người đánh vợ, không còn hộ quá nghèo khổ. Mong sao trong cuộc gặp mặt lần sau của các chị, ta nghe nhiều tiếng cười hơn là những tiếng nấc uất nghẹn.
NGHỊ VĂN
.
.
Không lẽ chịu thua?
Thứ Năm, 20/08/2009, 09:57 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.