.

Ôi! WC

Đi bắc, đi nam, đi đâu ở ta cũng thấy WC (Toilet, nhà vệ sinh) giống nhau ở cái sự… khó chịu. Hàng quán dọc đường có WC mà như không, chẳng còn gây ngạc nhiên. Đằng này, vào các quán sá sang trọng, vừa dừng xe đã có đội ngũ tiếp viên ăn mặc lịch thiệp, đẹp mắt, đeo bộ đàm ra đón tận cửa, nhưng khi vào WC thì ôi thôi thất vọng.

Bảo dơ thật dơ (xét về thói quen sử dụng WC ở ta) thì không hẳn, nhưng thơm tho, sạch sẽ xứng tầm với hình thức của quán thì phải gọi là một trời, một vực. Hình như người ta đã quên mất rằng, WC mới phản ánh rõ nhất sự chỉn chu, sạch sẽ. Đi ăn, uống đụng phải những nơi đó, có bỏ ra đống tiền cũng không thấy ngon lành gì, còn khiến mình bỗng nghi ngờ về vẻ hào nhoáng đang được phô bày.

Xuyên suốt chiều dài quốc lộ, thử đếm có mấy cái WC mà khi bước vào, hành khách có được cảm giác thoải mái? Ai liệt kê được 1, 2 thậm chí 3 cái? Tàm tạm cũng có trạm dừng chân, quán cơm trang bị WC rộng rãi. Nhưng thú thực, bất đắc dĩ mới phải bước vào hoặc đi gần đó. Còn lại, khi xe dừng để khách đi vệ sinh, là lúc hành khách nháo nhào tìm gốc cây, bụi cỏ... Đàn ông chọn chỗ gần gần, đàn bà chịu khó đi xa hơn, núp sau lùm cây nhờ đồng đội canh chừng giúp.

Cảnh thường thấy ở những nơi này là một cuộc thử thách âm thầm của con người về khả năng… ­nhịn thở. Ai có hơi dài thì hít một cái thật sâu trước khi vào, rồi tung cửa lao ra như tên bắn. Ai không đủ sức nhịn thở lâu, phải chịu khó đeo một lúc hai lớp khẩu trang cho chắc.

Phải chăng giải quyết nhu cầu của cơ thể là chuyện tạm? Không ai cho rằng nó không quan trọng, nhưng cho tới lúc này, chuyện có được những WC sạch, đẹp coi ra còn xa vời quá. Hiếm hoi cũng có chỗ như siêu thị B., M. có WC luôn trong trạng thái sạch sẽ.

Sự sạch sẽ ở đây được đánh giá qua thời gian các quí ông, quí bà bước vào và thích nán thêm ít phút trước gương săm soi lại mái tóc, tô lại chút son môi. Đơn giản vì không khí quanh đó khá dễ thở và không có cái gì khiến mắt nhìn dờn dợn. Được biết, ở những nơi này, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người ra vào.

Vậy đâu phải tại có nhiều người sử dụng thì nhớp nhiều như cách lý giải của các nơi. Những người dựng nên cái gọi là Nhà-vệ-sinh có thực sự muốn biến nó trở thành nơi “vệ sinh” hay không mới là điều đáng nói.

Nghị Văn

;
.
.
.
.
.