.

Thất thu

Mặc dù các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành thuế, đã có nhiều nỗ lực nhằm thu đúng, thu đủ các khoản thu theo quy định vào ngân sách Nhà nước, vậy nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng thực hiện được, bởi xuất phát từ kẽ hở của chính sách và chính từ việc “lách” luật của một số đối tượng. Xin nêu ra đây một vài kiểu “lách” luật đã làm thất thu ngân sách Nhà nước không hề nhỏ:

Vợ chồng ông A bán một lô đất cho vợ chồng ông B. Tuy nhiên, khi làm giấy tờ ra công chứng, không phải giấy tờ mua-bán đất mà là giấy ủy quyền sử dụng đất. Ít hôm sau, vợ chồng ông B bán lại lô đất này cho vợ chồng ông C, cũng lại làm giấy ủy quyền, nhưng lúc này phải “năn nỉ” vợ chồng ông A ra công chứng, nếu vợ chồng ông A “không hiểu gì” thì được mời ly nước, còn nếu “hiểu ra vấn đề” thì ra giá lập tức, kiếm ít triệu đồng bỏ túi.
 
Cứ như thế, nếu không phải là người có nhu cầu thực sự mua để làm nhà ở, thì lô đất đó được bán trao tay thông qua “cò” đất và đội ngũ buôn bán bất động sản. Nhà nước chỉ thu được lệ phí công chứng không đáng bao nhiêu. Nhân viên phòng công chứng biết kiểu mua-bán lòng vòng như vậy, bởi mỗi lần làm lại giấy tờ ủy quyền cho người khác, phải làm thủ tục hủy giấy ủy quyền cũ, nhưng không thể làm gì hơn bởi pháp luật cho phép.

Cứ mỗi lần như vậy, Nhà nước mất không ít tiền thuế trước bạ, sang tên, thuế thu nhập cá nhân.... Một điều cần nói đến là không ít “cò” đất đã dùng chứng minh nhân dân của người khác để làm giấy tờ ủy quyền mà người đứng tên nhận ủy quyền không cần xuất hiện nơi công chứng (!?), người bán cũng không biết mặt người được ủy quyền (là người mua). Tất cả đã có “cò” lo.

Có một kiểu làm thất thu thuế nữa là cách khai giá bán nhà-đất. Được biết, nếu khai giá mua-bán cao hơn giá Nhà nước quy định cho tuyến đường có nhà-đất mua-bán (thường là đúng giá thực tế mua-bán) thì sẽ tính thuế theo giá ghi trong tờ khai, còn nếu ghi trong tờ khai giá mua-bán thấp hơn bảng giá quy định về tuyến đường có nhà-đất mua-bán thì sẽ tính theo giá quy định của Nhà nước.

Trong thực tế, khá nhiều trường hợp ghi bằng hoặc thấp hơn giá mua-bán thực tế nhằm giảm bớt các loại thuế phải nộp. Vậy là, người trung thực lại phải đóng thuế nhiều, còn người biết “lách” lại đóng ít.

Chỉ qua vài ví dụ trên để thấy rằng trong các chính sách thu thuế của Nhà nước vẫn còn những bất hợp lý. Đối với trường hợp ủy quyền sử dụng đất, thực tế được mấy trường hợp ủy quyền thực sự? Đã có một số người bán đất nhận thấy đây rõ ràng là cách “lách” của “cò”đất, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho “cò”, còn Nhà nước thất thu rất nhiều và buộc “cò” phải làm giấy tờ mua- bán, một mặt đỡ phải ra công chứng lần sau, nhưng mấy ai làm được như vậy khi “cò” thực hiện “khổ nhục kế”.

Cũng có người bán nhận thấy đây là một cách kiếm thêm tiền khi “cò” lại bán tiếp cho người khác nên “tiếp tay” cho “cò” khi mọi thủ tục đã có “cò” lo, mình chỉ ra công chứng ký mấy chữ mà thôi!

Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng cần xem xét lại các chính sách liên quan, có những quy định cụ thể cho từng trường hợp, làm sao giảm bớt chuyện “lách” luật hợp pháp, bớt đi việc thất thu ngân sách cho Nhà nước.

Nghị Văn

;
.
.
.
.
.